Hầu hết giếng Chăm tồn tại đến nay dù trải qua hàng trăm năm (nhiều giếng có trước năm 1471 - khi những lưu dân người Việt đến định cư trên vùng đất này) nhưng nước vẫn trong ngọt, không phèn, mạch không cạn. Đây quả là điều bí ẩn về cách chọn nguồn mạch của người Chăm xưa.
Về kiểu dáng "miệng tròn đáy vuông" đã phản ánh rõ nét về tâm thức của người Chăm xưa về tín ngưỡng phồn thực mà chúng ta vẫn thường bắt gặp thông qua việc thờ cúng ngẫu tượng linga - yoni (linga tròn, yoni vuông). Và trên hết, ở đây dường như đã có sự tương đồng về tín ngưỡng tâm linh với người Việt, đó là quan niệm về vũ trụ, trời đất, âm dương “trời tròn đất vuông”, “dương tròn âm vuông”...
Giếng “miệng tròn đáy vuông” đã phản ánh rõ nét tâm thức của người Chăm xưa.Ảnh Đất Việt Cùng với sự tiếp nhận những yếu tố văn hóa phi vật thể (lễ hội, ẩm thực, ngành nghề…) thì các lưu dân Việt cũng biết tiếp nhận những yếu tố văn hóa vật thể để phục vụ cho chính mình mà sự hiện diện của các giếng Chăm trong cộng đồng người Việt đã minh chứng rõ nét cho sự giao thoa văn hóa của hai dân tộc.
Song song với các giếng gạch có kiểu dáng “miệng tròn đáy vuông” cũng thấy xuất hiện một mô típ giếng được xây bằng đá; đây là một kiểu dáng khá độc đáo đòi hỏi sự tinh xảo trong chế tác và xây dựng. Các giếng này tập trung nhiều nhất tại các xã Duy Thu, Duy Tân (Duy Xuyên), đặc biệt là khu vực thôn Chiêm Sơn, Duy Trinh. Đó là các giếng Chùa Vua, giếng Ông Tư Giản, giếng Tiên…
Hầu hết các giếng này được xây dựng bằng các phiến đá ghép lại từng lớp với nhau, trong đó mỗi lớp đá gồm 5 phiến được đẽo tỉ mỉ cụm lại thành vòng tròn ghép chồng khít theo từng lớp cao dần đến mặt đất để cuối cùng được hàn lại bằng một vòng đá tròn bên trên.
Giếng hình vuông đáy lát bằng gỗ thời Chăm Pa.Ảnh Đất Việt
Nguyên vẹn và đẹp nhất có lẽ là giếng trước sân nhà ông Dương Ngọc San ở thôn Thanh Chiêm 1, Điện Phương (Điện Bàn) - giếng là sự chồng ghép của hơn 10 lớp đá granit dày 45cm - 50cm được đẽo tạc tỉ mỉ với những đường cong chính xác chồng ghép lên nhau, kẽ hở giữa 2 mảnh ghép kề nhau không quá 0,5cm, đỉnh trên cùng thành giếng là vòng tròn bằng đá có kích thước dày 30cm x đường kính 75cm. Tuy trải qua hàng trăm năm nhưng đến giờ giếng này vẫn là nơi lấy nước dùng trong sinh hoạt của nhiều gia đình xung quanh.
Đến bây giờ vẫn còn nhiều tranh luận thú vị về nguồn gốc ra đời của một số giếng, đặc biệt là các giếng tại Hội An như giếng Bá Lễ, giếng nhà thờ tộc Trần, hoặc giếng Ông Tư Giản (Duy Xuyên)… Mỗi giếng là một câu chuyện dài về thuở sơ khai khi những lưu dân đầu tiên đến định cư trên mảnh đất này; đó là câu chuyện về dòng họ Trần đào giếng lấy nước, dòng họ Bùi đào giếng Bá Lễ… được truyền miệng qua nhiều thế hệ con cháu.
Nếu như sự hiện diện của các đền tháp gợi cho chúng ta sự thâm nghiêm ngưỡng vọng, sự chiêm nghiệm về những gì thoát tục cách biệt với thế giới con người, thì các giếng Chăm luôn gợi nên sự bình lặng, dân dã của một vùng quê, sự an cư lạc nghiệp của một cộng đồng. Mỗi giếng Chăm là một minh chứng sống động về một vùng đất cùng những giá trị văn hóa đã qua…