Từ “hang” chỉ cái hang là một từ Việt , như góc kín của cơ thể thì gọi là “ háng”, lối ngõ sâu hun- hút như cái hang thì chữ nho viết là chữ “hạng 巷” gọi là “hẻm”, từ “hang” tách đôi Âm - Dương thì sinh ra từ dính không thể đảo ngược là “hom - hỏm” nghĩa là sâu và tối, nó dẫn đến từ “hẻm” trong tiếng Việt là cái ngõ sâu như hang và từ “thẩm” trong tiếng Thái nghĩa là cái hang.
Từ “động” nghĩa là hang chỉ có từ khi bị Hán hóa, nó đồng âm với từ “động” nghĩa là vùng của tiếng Việt. Nhưng chữ nho của người Việt “động 洞” vốn nghĩa là “vùng” ấy đã bị Hán lấy để tải âm “tung” nghĩa là hang của tiếng Hán.Từ “động” nghĩa 同 là cùng, biểu ý là cùng một nước, lấy âm cùng để biểu đạt cho âm vùng, nghĩa của nó là “vùng nước” tức “một vùng của đất nước” hay là nước nhỏ trong cùng một nước to.
Chữ nho “động 洞” ấy người Hán mượn để ký âm từ “tung” trong tiếng Hán là chỗ ở cũng có nghĩa là hang, vì người Hán cổ ở vùng thảo nguyên đất khô, họ làm nhà bằng cách đào hàm ếch vào đồi để ở tránh gió lạnh và tuyết, bây giờ vẫn còn phổ biến trên thảo nguyên mênh mông gió và tuyết, người ta đào một giao thông hào sâu và rộng rồi hai bên đào hàm ếch sâu vào thành những cái “tung” cho từng hộ gia đình ở, về sau cả tòa nhà xây độc lập trong thành phố họ cũng gọi là cái “tung”, ghi mượn bằng chữ nho “đống 棟” của người Việt, gồm bộ mộc 木 là gỗ và chữ đông 東 thay cho âm “chống” có nghĩa là “cái cột nhà bằng gỗ để chống đỡ cái mái”, cái “để chống” gọi lướt là cái “đống”.
Về sau do bị Hán hóa nên người Việt cũng dùng chữ “động 洞” hiểu nghĩa là hang như người Hán, nhưng còn có thêm từ ghép “hang động” nghĩa là nhiều hang nói chung, nên từ ghép “hang động” thường chỉ đi sau lượng từ “các” hay “nhiều”, mà ở cái từ ghép đó thì “hang” trước, “động” sau theo đúng trình tự cái nào có trước trong tiếng Việt thì đứng trước trong từ ghép, chứ không ai nói là “động hang” cả. Tai hại của Hán hóa là “động” = “đồng” = “vùng”, cả âm lẫn nghĩa như biểu ý của chữ nho, đã bị biến thành “hang” vì người Hán dùng chữ “động 洞” ấy nhưng bảo nó nghĩa là hang, nên đành phải ừ là “hang động” cho nó huề.
Thời thượng cổ người Việt dùng chữ nho vẫn viết theo cấu trúc ngữ pháp Việt cho đến tận thời Đường, nên các địa danh ở Trung Hoa toàn là theo cấu trúc ngữ pháp Việt như Hồ Nam là hồ phía nam, Sơn Tây là núi phía tây, Sơn Đông là núi phía đông.
Ở Việt Nam thì Tam Cốc là ba hang, sau bị Hán hóa lại thêm là “động Tam Cốc” thành thừa một chữ hang vì “cốc” đã nghĩa là hang, nó to hơn cái “hốc”.Thời cận đại khi chưa có chữ quốc ngữ, dùng chữ nho, người Việt vẫn đặt theo cấu trúc ngữ pháp Việt như vậy , như Cửu Long là chín rồng vì sông Mê Kông vào Nam Bộ chia thành chín nhánh đổ ra biển; Phú Quốc là “giàu nước” tức ra đảo làm giàu cho đất nước (trước tiên là làm nước mắm) chứ không phải như thông tin đại chúng giải thích Phú Quốc là “mảnh đất giàu có” theo ngữ pháp Hán, bởi không có người đến khai phá thì chẳng mảnh đất nào giàu có cả.
Thời Đinh Tiên Hoàng thì xã hội Việt Nam dùng chữ nho đã là văn minh sáng lạn lắm rồi, nhưng Hoa Lư vẫn gọi là động Hoa Lư, có nghĩa là vùng Hoa Lư chứ không có nghĩa là dân ở đó sống trong hang. Biết bao địa danh khác ở đồng bằng mênh mông chẳng có một ngọn núi cái hang nào cả vẫn gọi là “động” bởi vì từ ấy có nghĩa là “vùng” “ Việt sử lược” viết: “Đinh kỷ, tiên vương húy Bộ Lĩnh, tính Đinh thị, Hoa Lư động nhân丁 紀 , 先 王 諱 部 領,姓丁氏,華 閭 洞 人nghĩa là Thời Đinh, vua đầu tên húy là Bộ Lĩnh, họ Đinh, người vùng Hoa Lư” . Viên gạch khai quật trong Hoàng thành Thăng Long là sản xuất ở động Hoa Lư rồi chở thuyền lên Thăng Long, gạch đó từng viên đều có dòng chữ: “Đại Việt quốc quân thành chuyên 大 越 國 軍 城 磚 “ nghĩa là “Made in Việt Nam – gạch xây thành quân sự” chứ không phải như thông tin đại chúng đọc là “gạch xây thành vua Đại Việt”( chữ quân trên viên gạch là chữ quân 軍 sự chứ không phải chữ quân 君 vương, ngày xưa viết hàng chữ nho không có chấm phẩy hay gạch nối gì cả).