Vật linh xuất hiện
Ông Nguyễn Nghĩa Bình, một trong những người đầu tiên phát hiện và có công tu tạo ngôi chùa Đại Tuệ từ 15 năm qua kể lại: Khoảng thời gian vào năm 2001, trong một lần đang thắp hương, ông bỗng nghe nghe tiếng khua nước. Lúc trở ra, bỗng thấy một con rắn hổ trâu to màu đen trũi, nặng chừng khoảng 6kg. Sau này người dân Nam Anh nhiều lần lên núi cũng trông thấy rắn đen, lúc thì đang tắm ở đầm nước gần Mõ Đá, lúc thì ở cổng chùa rồi tự trườn đi. Cách đây vài tháng (ngày 23/9/2009), khoảng 8 giờ sáng, trong khi đang quét dọn, ông Bình lại bất ngờ phát hiện hai "cụ" rùa nằm im lìm phía sau chùa, mỗi "cụ" nặng tới 15kg. Ông đã thắp hương, xin được "bế hai cụ" vào trong chùa. Tiếp đó ông đã điện thoại cho UBND xã Nam Anh và Lâm trường Phù Mát (Con Cuông) để tìm hiểu cách thức chăm sóc các "cụ". Nhiều người dân tin rằng, sự xuất hiện của hai "cụ" rùa là điềm linh.
Phế tích thành Hồ
Đỉnh Thăng Thiên, cao nhất dãy núi Đại Huệ (hơn 800m so với mực nước biển) được người xưa ví như quả chuông úp. Ngoài phong cảnh ở đây rất đẹp, nó còn ẩn chứa những giá trị lịch sử - văn hoá liên quan đến hai triều đại đặc biệt: Nhà Hồ và nhà Tây Sơn.
Theo Tiến sỹ sử học Nguyễn Quang Hồng (Trường ĐH Vinh), hiện các nhà khoa học chưa có đủ chứng cứ để phục dựng toàn bộ diện mạo thành Hồ Vương trên đỉnh núi Đại Huệ và dưới chân núi. Nhưng, qua phế tích và các sử liệu (như Nghệ An ký, Đại Nam Nhất thống chí...) cho thấy sự tồn tại của tòa thành là không có gì phải bàn cãi. Đầu thế kỷ XV, cha con vua Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương đã huy động người dân xứ Nghệ xây dựng cả một hệ thống thành luỹ từ dưới chân núi Đại Huệ lên trên núi, nhằm mục đích chống lại nguy cơ xâm lược từ phương Bắc. Sau khi xong việc, Hồ Quý Ly cho xây chùa Đại Tuệ để cảm ơn công đức của Đức Phật.
Sau khi thành hoàn thành một thời gian ngắn, dân tộc đã phải đối mặt với cuộc chiến tranh xâm lược của phương Bắc. Triều đại nhà Hồ bị diệt vong, đất nước rơi vào cảnh nô lệ. Hồ Vương thành cùng một số toà thành khác bị san phẳng, hàng ngàn voi, ngựa, súng ống, thuyền bè, sách vở, di sản văn hoá... bị đem về phương Bắc hoặc bị tiêu huỷ. Điều này đã được Ngô Sỹ Liên chép trong Đại Việt Sử ký toàn thư.
Hiện tại, dấu tích của tòa thành vẫn còn trên đỉnh núi, cách chùa Đại Tuệ khoảng 100m. Qua dấu tích cho thấy thành được xây, ghép bằng đất, đá, phía tây dựa vào động Thăng Thiên, mặt nam chạy theo sườn dọc của dãy Đại Huệ...
Chứng tích triều đại Tây Sơn
Năm 1788, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ lên ngôi vua lấy niên hiệu là Quang Trung tại núi Bân Sơn (Huế), sau đó ra lệnh cho ba quân tướng sĩ thẳng tiến ra Bắc đối trận với 29 vạn quân Thanh (cả dân phu). Khi đến Nghệ An, vua Quang Trung dừng chân tại núi Lam Thành- Phù Thạch, lệnh tuyển thêm quân. Hàng vạn thanh niên, trai tráng dọc lưu vực sông Lam nô nức tòng quân giết giặc. Tại đây, vua Quang Trung đã có bài hịch nổi tiếng trước ba quân tướng sĩ, trong đó có đoạn: "Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng, đánh cho nó chích luân bất phản, đánh cho nó phiến giáp bất hoàn, đánh cho nó sở tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ". (tạm dịch: Đánh để giữ được tập quán răng đen, tóc dài, đánh cho giặc không còn xe, không còn mảnh giáp về nước, đánh cho giặc biết nước Nam là có chủ).
Sau cuộc duyệt binh lịch sử ấy, Quang Trung cho đại quân vượt núi Đại Huệ, thần tốc ra Bắc, hội quân tại Tam Điệp (Ninh Bình). Trước đó Vua đã trồng một cây đa ở lưng chừng núi Đại Huệ và thề sẽ quét sạch quân Thanh (cây đa này tồn tại mãi tới những năm 70 - 80 của thế kỉ trước, nay chỉ còn dấu tích). Khi lên đỉnh núi, vua Quang Trung vào chùa Đại Tuệ dâng hương, cầu xin Đức Phật phù hộ cho ba quân tướng sĩ nhanh chóng quét sạch ngoại xâm. Các nhà sư trong chùa Đại Tuệ đã chỉ cho nhà vua con đường thượng đạo Nộn Băng (nghĩa là qua trôn băng) tránh được quân địch, tới Thăng Long nhanh hơn. Sau khi quân Thanh đại bại, trên đường trở về Phú Xuân, vua Quang Trung lại lên chùa Đại Tuệ cảm tạ Đức phật. Ông xuống chiếu, cắt 30 mẫu ruộng (thuộc một số xóm của xã Nam Anh- Nam Đàn ngày nay) cấp cho chùa. Từ đó, chùa Đại Tuệ còn được người dân gọi là chùa Đại Huệ - gắn với tên của người anh hùng áo vải năm xưa.
Người dưới mộ là ai?
Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột từ trần, Thái tử Cảnh Thịnh nối nghiệp cha. Năm 1801, nhà Tây Sơn bị diệt, vua Cảnh Thịnh cùng thân tộc phải chạy ra Bắc. Theo tài liệu ghi chép của Quốc sử quán triều Nguyễn và một số tư liệu khác thì vua Cảnh Thịnh bị bắt tại Lạng Sơn, bị đóng cũi giải về kinh Phú Xuân, sau đó bị hành quyết. Tuy nhiên, theo tài liệu của dòng họ Hồ ở Hưng Nguyên, Nam Đàn (Nghệ An) thì người bị hành quyết không phải là Cảnh Thịnh thật. Khi chạy đến Nghệ An, Cảnh Thịnh đã bí mật cho người đóng giả mình, cùng bề tôi trung thành tiếp tục ra Bắc. Còn Cảnh Thịnh đã xuống tóc, lặng lẽ vào tu tại chùa Đại Tuệ và sống nốt phần đời còn lại ở đây. Chứng cứ là đến nay, cứ đến ngày 20/10 Âm lịch hàng năm, tăng ni phật tử trong vùng và con cháu họ Hồ ở Hưng Nguyên, Nam Đàn vẫn thường xuyên lên núi làm giỗ cho vua Cảnh Thịnh. Hiện khu mộ đá có chiều rộng trên 8m, chiều dài trên 12m vẫn được các cụ cao niên quanh vùng khẳng định đó là phần mộ của vua Cảnh Thịnh.
Đặc biệt tại khu vực chùa có ngôi mộ cổ bằng đá, mà nhiều người, trong đó có cả các nhà nghiên cứu cho rằng, đó là mộ vua Cảnh Thịnh. Theo TS sử học Nguyễn Quang Hồng và TS Hồ Bá Quỳnh thì tên gọi chùa Đại Huệ chứng tỏ chùa có mối quan hệ thân thiết với Quang Trung - Nguyễn Huệ. Thứ nữa, trong sự nghiệp ngắn ngủi của mình, vua Quang Trung và kế vị là vua Cảnh Thịnh đều đã từng cho người đóng giả mỗi khi sang bang giao với nhà Thanh. Từ những nghi vấn đó, TS Hồng đặt giả thiết: "Trong bối cảnh bị kẻ thù truy đuổi, Cảnh Thịnh rất có thể phải sử dụng người đóng thế để thoát thân, Gia Long đã hành quyết một Cảnh Thịnh... giả".
Có hay không việc vua Cảnh Thịnh từng đi tu tại chùa Đại Tuệ từ năm 1801 cho đến cuối đời? Người nằm dưới ngôi mộ đá kia là ai? Đó là những câu hỏi mà hậu thế rất muốn biết lời giải!