Ông tổ họ Ma, tên là Ma Khê được vua Hùng phong làm Lương tướng. Vị Lương tướng họ Ma thường hội kiến với vua Hùng và thánh Tản Viên ở làng Văn Khúc. Đình làng Văn Khúc thờ Ma Khê có sắc phong ông là "Phụ quốc đại thần đại tướng quân Ma Khê" vì tương truyền ông được vua phong chức quan đầu triều lo về chính sự thay vua cha khi già yếu và giúp vị vua trẻ lúc mới kế vị ngai vàng. Ma Khê lấy người con gái ở chân núi Vi, cạnh đền Hùng. Về sau ông chuyển cả bộ tộc sang tả ngạn sông Thao. Cháu chắt ông là Ma Xuân cho đắp thành trồng lũy gọi là Ma Thành, gọi chệch là thành Mè. Ngày nay thị xã Phú Thọ có chợ Mè, nền móng thành Mè và ở phố Phú An có đền thờ ông là vì vậy. Vào thời 12 sứ quân cát cứ, cháu chắt Ma Khê là Ma Xuân Trường cầm đầu Ma tộc trấn giữ Thành Mè. Khi thành Hội Hồ (ở làng Văn Khúc) bị thất thủ, tướng quân Kiều Công Thuận chạy sang Ma Thành cùng với Ma Xuân Trường chống lại Đinh Bộ Lĩnh. Kiều Công Thuận tử trận. Ma Xuân Trường chạy lên Tuần Quán, Trấn Yên, Yên Bái. Sau mất ở đấy, được dân làng lập đền thờ và Đinh Bộ Lĩnh vì thán phục uy đức mà truy phong ông là "Ma tộc thần tướng". Nay ở Làng Trù Mật, thị xã Phú Thọ cũng có đền thờ Kiều Công Thuận và Ma Xuân Trường. Dòng họ Ma nay cư trú ở thị xã Phú Thọ, Lâm Thao hậu duệ của bộ tộc ấy hiện có một chi nhánh cư trú ở Việt Trì có gia đình cụ Ma Văn Thực là thân sinh ca sĩ Ma Thị Bích Việt. Hiếm có dòng họ nào lưu giữ được thần phả, gia phả từ thời Hùng Vương như họ Ma ở Phú Thọ. Họ Ma gốc Tày cũng như nhiều họ gốc Mường: Đinh, Quách, Bạch, Hà... là những nhóm cư dân Việt cổ phát triển lên thành người Việt hiện nay.
Các truyền thuyết về Ma Khê và Tản Viên ở vùng đất Tổ cũng nói đến sự hội nhập của hai nhóm Việt Mường và Tày - Thái ở Phú Thọ. Tản Viên là người Mường. Dù Tản Viên đã được thần thoại hóa đến hoang đường, nhưng bóc bỏ lớp huyền thoại, ta vẫn tìm được lõi thật lịch sử: ông là con một bà người Mường có tên là Đinh Thị Đen quê ở chân núi Thu Tinh làng Yên Sơn. Bà lấy chồng rồi về sống, sinh đẻ Tản Viên ở Động Lăng Xương, làng Trung Nghĩa bên bờ sông Đà thuộc Phú Thọ. Ông được dân gian tôn sùng đắp vẽ thành một thần tượng của cộng đồng, vừa là anh hùng trận mạc vừa là anh hùng văn hóa. Ông đánh giặc tài lại có công chống lại Thủy Tinh biểu tượng của thiên tai lũ lụt. Ông là người anh linh nghĩa cử khước từ ngôi báu, khuyên vua cha nhường ngôi cho Thục Phán để muôn dân thái bình. Thục Phán cũng gốc Tày - Thái quản lĩnh miền rừng núi phía trên nước Lạc Việt của các Vua Hùng.
Yếu tố Việt - Mường và Tày - Thái còn biểu hiện ở sự pha trộn ngôn ngữ. Ngôn ngữ Tày - Thái cổ gọi tre là pheo, gọi chim là chóc gọi chó là má, gọi thật là chân để đan xen thành những từ ghép trong tiếng Việt như: tre pheo, chim chóc, chó má, chân thật. Cũng ghép như vậy với tiếng Mường để có các từ ghép: cá mú, nắng nôi, v.v.
Ở khu di tích đền Hùng có ba quả núi. Trong đó có núi Nỏn, cạnh núi Nghĩa Lĩnh đặt tên theo ngữ hệ Tày - Thái: Nỏn là út, vì thế quả núi còn tên nôm thuần Việt một âm tiết là núi út.
Ở xã Hy Cương, nơi có Đền Hùng, bên cạnh núi Nghĩa Lĩnh, nay vẫn còn một xóm có tên là xóm Bản Pheo. ắt hẳn người Tày - Thái cổ đến cư trú lập bản ở đây. Do có nhiều tre nên người ta gọi xóm bản của mình là Bản Pheo (pheo là tre) ngày nay xóm Bản Pheo vẫn chìm ngập trong bóng tre.
Xòe là múa dân gian của đồng bào Thái. Người Mường ở các xã sát Sơn La, Nghĩa Lộ xưa cũng hay xòe. Phụ nữ Mường ở các xã đó tuy mặc áo cóm và áo dài kiểu Mường truyền thống, nhưng khuy cài cúc cũng khâu dải ngang. Cổ và hai nẹp áo trước ngực cũng thêu như áo phụ nữ Thái, và đầu vấn khăn "piêu" theo kiểu Thái. Người Mường ở vùng này cũng gọi quan đầu Mường của mình là ông quan ngài như người Thái.
Có một họ Hà thờ con cuốc vì truyền thuyết họ Hà này cùng họ hàng với Thục Đế (họ Thục Phán). Con cuốc là tổ tiên của Thục Phán.
Vùng Mường ở Phú Thọ vì thế có pha trộn văn hóa Tày - Thái ở cận kề.
Tiếng Mường và Tày - Thái đều gọi ruộng là "na" hoặc gọi chệch "na" thành "là". ở vùng người Việt (Phú Thọ) cũng nhiều nơi gọi ruộng là "na" như ở Tứ Xã, Sơn Vi, Do Nghĩa, Hà Thạch, Thụy Vân. Làng Cao Xá có những khu đồng như: Là Pheo, Là Giũa, Là Đỏ, v.v.
Một tấm bia trên đền Hùng có 50% số địa danh được ghi là na như na Hưu, na Dầu, na Lao, na Hoàng, v.v.
Vì nước Văn Lang thời các Vua Hùng là nước của người Lạc Việt (Việt - Mường) nên yếu tố Mường đậm đặc hơn yếu tố Tày - Thái trong nền văn hóa dân gian vùng Đất Tổ.
Tổ tiên người Việt cổ ở Phú Thọ thời hồng hoang ắt hẳn sống trong các hang động có rất nhiều ở huyện miền núi Thanh Sơn. Phải chăng vì thế mà sau này khi rời hang động ra sống ở ngoài trời, người ta lấy động làm tên gọi điểm tụ cư như người Việt gọi là kẻ, chạ, thôn, làng. Trước đây người Mường thường vẫn gọi điểm tụ cư của mình là động. Triều đình cũng gọi là các động. Ở Phú Thọ cũng có các địa danh gọi là động như động Khuất Lão ở huyện Tam Nông, động Lăng Xương ở Thanh Thủy, thị xã Phú Thọ cũng có thời gọi là Phú An động. Thị trấn Hưng Hóa gọi Hoa Nham động. Làng Cự Đà (Phù Ninh) thời nhà Lý còn gọi là động Cự Đà, v.v.
Riêng Phú Thọ gọi các ông già bà lão là bủ, do ảnh hưởng phong tục Mường. Người Mường Phú Thọ gọi những người già đã có chắt (cháu 4 đời) là bủ. Những người có chắt nội người Mường gọi là ông bủ hoặc bà bủ. Người có chắt ngoại được gọi là bủ vãi ông hoặc bủ vãi bà. Người chưa có chắt nhưng anh hoặc chị mình có cháu 4 đời cũng được gọi là bủ anh hoặc bủ em nếu anh, em ruột mình có chắt nội và được gọi là bủ vãi anh hoặc bủ vãi em nếu anh, chị mình có chắt ngoại. Từ đấy người Việt ở Đất Tổ gọi gộp những người già sáu bảy mươi tuổi trở lên là bủ để tỏ lòng tôn kính.
Người Mường có tục gọi vía lúa. Những năm mất mùa, người ta phải đi gọi vía lúa về làng bản của mình. Người ta phải làm lễ cúng vía lúa, rồi thầy mo hoặc một người hát "rang" gọi vía lúa, rủ rê vía lúa về với mình.
Nhiều làng Việt cũng có tục rước bông lúa thần trong lễ hội làng mình. Người Việt gọi là thần lúa cũng bắt nguồn từ người Việt - Mường gọi thần lúa là vía lúa. Vì có truyền thuyết vua Hùng từng đứng trên núi Nghĩa Lĩnh gọi vía lúa, nên ở Đền Hùng xưa cũng thờ hòn đá tượng trưng lúa thần.
Nếu như người Mường thuộc Mường Kịt có bài hát "rang" gọi vía lúa như sau:
.. Lúa nương thì ở phương xa"
"Lúa nhà thì ở phương gần"
"Về cúng mâm cơm mâm rượu"
"Vui từ cửa từ nhà"
"Sáng ngày mai vui ra đồng ruộng"...
thì người Việt ở làng Nam Cường (huyện Tam Nông) lại có tục múa mo. Có chúa mo đứng chủ trò. Chúa mo có nguồn gốc từ các ông mo là người hoạt động tín ngưỡng của các cộng đồng người Mường. Chúa mo ở Nam Cường hát gọi:
"Trong làng cây muống"
"Làng ta làm ruộng"
"Lúa tốt đề đa"
"Là hú ha ha!"
"Là hú hơ hơ!"
Các lễ hội về mùa màng của người Việt cũng gần giống như của người Mường: lễ hạ điền, thượng điền, cơm mới, v.v.
Nhiều làng Mường và Việt ở Phú Thọ cùng thờ Tản Viên làm Thành hoàng.
Nếu như nhiều làng Mường thờ dâm thần như ở Thu Cúc xưa có đình miếu thờ nam thần dâm ở xóm Quẽ, nữ thần dâm ở Đồng Than, thì nhiều làng Việt ở Tam Nông, Lâm Thao, Sông Thao cũng có tục cầu thờ sinh thực khí như thờ nõ nường ở Tứ Xã, Sai Nga. Thờ kén (30 cặp sinh thực khí nam) ở làng Dị Nậu, v.v.
Nếu như người Mường làm nhà mồ chia của cho người chết, thì người Việt cũng có tục đem theo đồ dùng cho người chết gọi là đồ tùy táng.
Các hình thức cưới xin của người Việt cũng tương tự người Mường như tục nòm (ăn hỏi) đưa đón dâu, của hồi môn, v.v. Người Việt và người Mường đều có các trò chơi ném còn, cướp phết; từ đu cọn của người Mường, người Việt đã làm ra đu tiên. Cả hai dân tộc đều hát ví, hát đúm, đều ăn trầu, nhuộm răng, xăm mình...
Người Mường Thanh Sơn có tục hát nàng bung nàng bạn. Những đêm trăng thanh gió mát, các nhà mày (đạo diễn) trải 6 chiếc chiếu ra bãi cỏ cho nam thanh nữ tú vào hát đua tài. Có hát các tích truyện thơ Mường. Chỉ có hát mà chưa có diễn. Có tích nhưng chưa dịch ra trò. Phải chăng chiếu "nàng bung nàng bạn" là tiền thân chiếu chèo của người Việt ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ.
Văn hóa vùng Đất Tổ là sự kế thừa phát huy văn hóa gốc Lạc Việt (Việt - Mường), Tày - Thái, và tiếp thụ các dòng văn hóa khác qua hàng nghìn năm giao lưu, với các vùng khác, các tộc người khác.