Kể năm hơn bốn ngàn năm
Tổ tiên rực rở anh em thuận hoà
Hồng Bàng là tổ nước ta
Nước ta lúc ấy hiệu là Văn Lang
Hồ Chí Minh
Ngày phát hành:26/04/2008
Tác giả:
Nếu khiên cưỡng mà nói rằng: Từ Hà đồ vua Phục Hy làm ra Tiên thiên bát quái, mà Tiên thiên bát quái là cơ sở của Dịch, do đó: Hà đồ chính là đồ hình căn bản của Lý học Đông phương. Nhưng tại sao với một đồ hình khởi nguyên của nền Dịch học Đông phương, chúng ta lại không thể chỉ ra và chứng minh cho mối liên hệ (Dù chỉ tạm chấp nhận ở tính hợp lý cho mối liên hệ đó) từ một đồ hình nguyên lý của nền Lý học Đông phương - được gọi là Hà đồ - với tất cả mọi phương pháp ứng dụng của nó?
Trải hàng thiên niên kỷ trôi qua trong lịch sử phát triển của văn minh nhân loại, con người không quên chiêm ngưỡng quá khứ. Nhưng trong sự phát triển của văn minh nhân loại, có cái gì đó không liên tục, mặc dù vẫn nằm trên một trục thời gian. Nó như bị ngắt quãng và giống như một sự chuyển dịch nhảy cóc từ không gian văn minh này sang một không gian văn minh khác, không hề có mối liên hệ chuyển tiếp. Hay nói một cách khác:
Nó không có sự kế thừa giữa các nền văn minh trong lịch sử phát triển của nhân loại.
Bởi vậy, trong nhận thức của nhân loại hiện đại, khi nhìn lại những không gian văn minh bị ngắt quãng ấy, đã không khỏi kinh ngạc trước những hiện tượng bí ẩn một cách kỳ vĩ trong quá khứ. Đó là: Kim Tự tháp ở Ai Cập, tượng khổng lồ ở đảo Phục Sinh, những di vật kỳ lạ về tri thức thiên văn của nền văn minh Maya… Người ta có thể sẽ không quan tâm đến tính huyền bí của tri thức tạo ra những kỳ quan đó. Vì hệ quả của những tri thức chưa biết đó là những di sản vật thể đang tồn tại trên thực tế. Cho nên di sản của những nền văn minh trên ít mang màu sắc huyền bí.
Nhưng không gian của văn minh Đông phương cổ thì ngược lại, nó bị coi như là mang màu sắc huyền bí vì không có được sự may mắn đó. Ngoài những di sản văn hoá vật thể, văn minh cổ Đông phương đã để lại cho nhân loại hiện đại một di sản văn hóa phi vật thể rất đồ sộ, qua những tư duy tri thức có thể truyền thừa với những khái niệm mơ hồ, dường như là huyễn hoặc với tri thức hiện đại . Đó chính là những phương pháp ứng dụng của học thuật cổ Đông phương, tỏ ra rất hữu hiệu trên thực tế nhằm phục vụ con người: Từ Đông y, thiên văn lịch số, xây dựng (phong thuỷ) đến cả sự tiên tri đến chi tiết cho số phận của từng con người… Tính hiệu quả của các phương pháp ứng dụng trong học thuật cổ Đông phương và sự mơ hồ huyền ảo của nhữngkhái niệm trong học thuật này, đã tạo nên sự huyền bí và còn là sự thách đố tất cả những tri thức của nhân loại hiện đại. Trải hàng ngàn năm trôi qua, biết bao công sức của các nhà nghiên cứu đã bỏ ra mà vẫn không làm sáng tỏ được sự huyền bí trong học thuật cổ Đông phương.
Phải chăng , vì những thực tại mà nền văn minh Đông phương cổ nhận thức được và phản ánh những thực tại đó bằng những khái niệm của nó, nằm ngoài những tri thức của nền văn minh hiện đại? Bởi vậy, tri thức hiện đại đã mơ hồ và cảm thấy huyền bí, khó hiểu trước những khái niệm phản ánh một thực tại chưa được biết đến.
Phải chăng tính thất truyền và những sai lệch qua những thăng trầm của lịch sử, đã khiến cho những tri thức của nền văn minh này ngày càng trở nên bí ẩn và xa lạ và tri thức hiện nay của con người bất lực trong việc khám phá nó?
Nhưng dù huyền bí khó hiểu; dù bị nhân loại giải thích sự tồn tại của văn minh Đông phương bằng đủ thứ phương pháp luận; từ thần quyền , huyền bí , mê tín dị đoan đến phương pháp luận khoa học ….thì nền văn hóa Đông phương vẫn hiện hữu trên thực tế, sừng sững một cách kỳ vĩ thách đố trí tuệ của con người. Chính hiệu quả của các phương pháp ứng dụng trong học thuật cổ Đông phương trên thực tế, là sự bảo đảm cho khả năng tồn tại của nó trải hàng ngàn năm trong ã hội Đông phương cổ.Điều này cũng chứng tỏ rằng:
Đằng sau hiệu quả thực tế đã trải qua hàng ngàn năm ấy là một chân lý đang tồn tại. Hay nói một cách khác:
Tri thức của học thuật cổ Đông phương với hiệu quả thực tế của nó, không thể từ trên trời rơi xuống, nó phải phản ánh một thực tại đã được người Đông phương cổ nhận thức và tổng hợp thành lý thuyết và từ đó tạo ra phương pháp ứng dụng .
Bởi vậy, việc đi tìm những thực tại nằm ngoài sự nhận thức của tri thức khoa học hiện đại trong nguyên lý học thuật cổ Đông phương là một việc hoàn toàn có cơ sở khoa học, khi mà hiệu quả những phương pháp ứng dụng của học thuật cổ Đông phương đã chứng tỏ trên thực tế trải hàng thiên niên kỷ.
Khi tìm hiểu phương pháp luận của học thuật cổ Đông phương, tất cả những nhà nghiên cứu đều nhận thấy nó gắn liền với một học thuyết vũ trụ quan rất mơ hồ là thuyết âm dương ngũ hành. Có thể nói rằng: Cho đến tận lúc này hàng ngàn năm đã trôi qua - các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể tìm thấy tính hoàn chỉnh và nhất quán của học thuyết này. Có người còn cho rằng đó là hai học thuyết có nguồn gốc riêng biệt không liên quan đến nhau. Thậm chí, có người còn cho rằng thuyết âm dương là chính thống và phủ nhận thuyết ngũ hành trong ứng dụng vì tính huyễn ảo và mơ hồ của nó. Sự mâu thuẫn trong những luận điểm của các học giả về học thuật cổ Đông phương trải hàng ngàn năm đã cho thấy một sự thất truyền và sai lệch ngay trong những di sản còn lại của nó.
Người ta không thể tìm ra một cái đúng từ một cái sai
Muốn tìm hiểu giá trị của tri thức cổ Đông phương thì chúng ta phải phục hồi lại nguyên lý đích thực của nó và thực tại nào đã làm nên nhận thức để tạo ra nguyên lý đó. Có thể ai cũng biết điều này, nhưng vấn đề còn là phương pháp tiếp cận và một hướng đúng cho việc khám phá những giá trị huyền vĩ của nền văn minh này.
Vấn đề được đặt ra trong tiểu luận “Hà đồ trong nền văn minh Lạc Việt”, là hướng tiếp cận để tìm chiếc chìa khoá mở cánh cửa huyền bí của nền văn minh Đông phương . Đồng thời cũng là sự tiếp tục của những cuốn sách chuyên đề đã xuất bản có nội dung liên quan (*). Đó là:
- Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại
- Thời Hùng Vương và bí ẩn lục thập hoa giáp
- Tìm về cội nguồn Kinh Dịch
- Tính minh triết trong tranh dân gian Việt Nam
- Bản chất của ý thức (Định mệnh có thật hay không?)
Trong nguyên lý học thuật cổ Đông phương thì Hà đồ vốn được coi như cội nguồn huyền vĩ , thiêng liêng đầu tiên của tạo hóa ban tặng cho nhân loại. Người ta cho rằng: kỳ lân – một linh vật thiêng liêng trong tứ linh thuộc huyền thoại Đông phương – nổi lên ở trên sông Hoàng Hà đã mang Hà đồ đến cho vị thánh nhân đầu tiên của con người và khởi đầu cho nguyên lý học thuật cổ Đông phương huyền bí:
“Phục Hy tắc Hà đồ hoạch quái.”
Huyền thoại về Hà đồ xuất phát từ cách hiểu về một câu trong Kinh Dịch. Dịch viết: “Hà xuất đồ, Lạc xuất thư, thánh nhân tác chi”. Hà đồ chính là sự khởi nguồn của Kinh Dịch, một kỳ thư nền tảng của Lý học Đông phương. Sự huyền bí đến kỳ vĩ của Hà đồ không chỉ ở huyền thoại tạo ra nó, mà còn bởi chính sự mâu thuẫn trong nội dung của nó, đã thách đố trí tuệ của nhân loại trải qua hàng thiên niên kỷ cho đến tận bây giờ: Căn nguyên của thuyết âm dương trong Kinh Dịch lại chính là Hà đồ mang nội dung ngũ hành; nhưng cho đến bây giờ, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy sự thống nhất của thuyết âm dương và ngũ hành trong các bản văn cổ chữ Hán?
Như vậy, ngay từ nguyên lý căn bản của Lý học Đông phương là Hà đồ – khi tự thân nó đã chứa đựng nội dung của âm dương ngũ hành – nên nó đã tạo ra mâu thuẫn hoàn toàn mang tính phủ định mọi luận điểm và hiện tượng trong lịch sử phát triển của học thuật cổ Đông phương, xét trong các bản văn chữ Hán. Đó chính là nguyên nhân quan trọng của sự bí ẩn kỳ vĩ đến huyền bí của một nền văn minh đã chìm sâu trong quá khứ.
Trải hàng thiên niên kỷ, đã bao nhiêu giấy mực viết về Hà đồ . Theo thống kê của tác giả Dương Ngọc Dũng và Lê Anh Minh – trong cuốn Kinh Dịch - Cấu hình tư tưởng của Trung Quốc – thì tính từ thời Tiên Tần đến nay đã có hơn 150 đầu sách viết về Hà đồ bằng tiếng Hán. Thậm chí người Hoa Hạ đã có hẳn một môn học gọi là: “Hà đồ học”, nhưng cho đến nay, người ta vẫn chưa biết gì về bản chất của Hà đồ. Nói theo cách nói của Giáo sư Nguyễn Hữu Lượng trong cuốn Kinh Dịch – vũ trụ quan Đông phương:
“Bí ẩn vẫn hoàn bí ẩn”.
Điều kỳ lạ là hầu hết những bản văn cổ chữ Hán khi nói đến Hà đồ thì có vẻ như nó là đồ hình căn bản của nguyên lý học thuật cổ Đông phương. Ngay từ sách Thượng Thư, thiên Cổ Mệnh cũng ghi: “Vách bên trái cung điện của Văn Vương có vẽ Hà đồ”. Khi luận về Kinh Dịch thì từ thời Tiền Hán cho đến nay, hầu hết các học giả và nhà nghiên cứu trên thế giới đều biết vị vua huyền thoại nổi tiếng trong lịch sử Đông phương, đã từ Hà đồ để khởi nguồn cho nền văn minh kỳ vĩ này : “Phục Hy tắc Hà đồ hoạch quái” . Những quái hoạch đầu tiên của Kinh Dịch – gọi là Tiên thiên bát quái - bắt đầu từ Hà đồ.
Hà đồ huyền vĩ và quan trọng như vậy, nhưng trong tất cả các phương pháp ứng dụng trong học thuật cổ Đông phương từ cổ thư chữ Hán thì người ta lại không hề tìm thấy tính ứng dụng liên quan đến Hà đồ?
Sự huyền bí của Hà đồ cũng không phải chỉ dừng ở đấy. Nguyên ủy xuất xứ của Hà đồ là một đồ hình huyền bí xuất hiện trên lưng con long mã trên sông Hoàng Hà, vua Phục Hy thấy được và căn cứ vào đó để hoạch quái, tạo ra tiền đề cho môn dịch học kỳ vĩ của văn minh Đông phương. Điều huyền bí và kỳ lạ này trải đã hàng ngàn năm và cho đến tận ngày hôm nay, như một tiên đề của Lý học Đông phương. Khi các nhà nghiên cứu viết về Kinh Dịch, hoặc những vấn đề liên quan đến nó thì đều nhắc tới sự huyền bí khó tin này, như sự chấp nhận một thực tế đã tồn tại !?
Từ cái đồ hình trên long mã này, liên quan gì đến các phương pháp ứng dụng của học thuật Đông phương?
Trong phong thủy chăng? Không thấy nói đến! Vì phi tinh, phân cung thảy đều căn cứ vào Lạc thư?
Trong bói Dịch chăng ? Không thấy ứng dụng thực tế ! Vì 64 quẻ Hậu thiên căn cứ vào đồ hình Hậu - thiên theo bản văn chữ Hán thì đồ hình căn bản của nó là Hậu thiên bát quái chỉ liên hệ với Lạc thư.
Trong Tử Vi chăng ? Không hề nhắc tới . Ngay cả trong Thái Ất phân cung, tính sao, tìm cục đều liên hệ với số Lạc thư. Vậy Hà đồ đóng vai trò gì trong nguyên lý học thuật cổ Đông phương và có liên hệ như thế nào với thực tế ứng dụng của nó? Một câu hỏi xuyên suốt hàng thiên niên kỷ .
Nếu khiên cưỡng mà nói rằng: Từ Hà đồ vua Phục Hy làm ra Tiên thiên bát quái, mà Tiên thiên bát quái là cơ sở của Dịch, do đó: Hà đồ chính là đồ hình căn bản của Lý học Đông phương. Nhưng tại sao với một đồ hình khởi nguyên của nền Dịch học Đông phương, chúng ta lại không thể chỉ ra và chứng minh cho mối liên hệ (Dù chỉ tạm chấp nhận ở tính hợp lý cho mối liên hệ đó) từ một đồ hình nguyên lý của nền Lý học Đông phương - được gọi là Hà đồ - với tất cả mọi phương pháp ứng dụng của nó?
Tiểu luận “Hà đồ trong văn minh Lạc Việt” là một sự tiếp tục của những cuốn sách mà người viết đã xuất bản và đi sâu vào một chuyên đề để tìm bản chất của Hà đồ trong nguyên lý học thuật cổ Đông phương . Đồng thời, tiểu luận này sẽ là sự minh chứng rõ nét hơn cho cuốn “Đức Phật khai ngộ về tính thấy”. Nxb Tôn giáo 2006 - Tức “Định mệnh có thật hay không?”.
Chính vì là sự tiếp tục này và để thuận lợi trong việc minh chứng, người viết xin được lặp lại không ít những luận điểm đã trình bày trong các sách đã xuất bản. Đây là điều cần thiết nhằm chứng tỏ tính hoàn chỉnh và nhất quán của một luận điểm và là sự tiện lợi chung cho tất cả những bạn đọc lần đầu tìm hiểu một luận điểm mới về cội nguồn và bản chất nguyên lý học thuật cổ Đông phương, qua cuốn sách này. Bởi vậy, người viết hy vọng rằng: Tuy có sự lặp lại một số luận điểm đã trình bày, nhưng sẽ được các bạn đọc quan tâm đã xem những bài viết hoặc những sách đã xuất bản trước vui lòng lượng thứ.