Đạo Phật vào Việt Nam sớm hơn vào Trung Quốc, chính vì vậy, Liên Lâu là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta. Thư tịch cho thấy, người Ấn Độ đầu tiên tới truyền giáo ở Liên Lâu là Khâu Đà La.
Đạo Phật do Khâu Đà La mang tới đã được cư dân Liên Lâu tiếp thu. Người theo đạo phát triển, chùa chiền được xây dựng nhanh chóng, trong đó có 4 chùa nổi tiếng là chùa Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện (mây, mưa, sấm, chớp) mà chùa Pháp Vân là trung tâm chính.
Liên Lâu trở thành một trung tâm Phật giáo cổ nhất và lớn nhất, thu hút rất nhiều Phật tử đến đây học đạo, trong đó có rất nhiều người Trung Quốc. Chùa Dâu, tức là chùa Pháp Vân chính là tu viện của Khâu Đà La hồi cuối thế kỷ II. Đến nay chùa vẫn còn, tuy có thay đổi chút ít về kiến trúc, song tục thờ hòn đá sinh thực khí - tục thờ Phật bà Man Nương vẫn còn được giữ nguyên.
Phải nói rằng từ thế kỷ II - IX, X, trên đất Giao Chỉ Liên Lâu vẫn là một đô thị lớn nhất, không đâu sánh được. Tại đây dân cư đông đúc và có nhiều thành phần tham dự. Ngoài người Việt bản địa, sống tập trung ở ngay vùng trị sở và các vùng phụ cận, người Trung Quốc cũng chiếm một số lượng không nhỏ, gồm quan lại và gia quyến. Có binh sĩ, có thợ thủ công.
Người Ấn Độ có mặt tại Liên Lâu với tư cách là khách buôn, nhà sư và cả những người theo hầu, khiến cho tính chất quốc tế của đô thị càng đậm và tất nhiên mức độ sầm uất cũng vì thế mà phát triển nhiều.
Là một trung tâm hành chính, Liên Lâu là thủ phủ của một quận. Bộ máy cai trị rất lớn. Có quan đứng đầu là thái thú được phong tước hầu. Trong hoàn cảnh tình hình Trung Quốc loạn lạc, kinh đô thì ở xa, Liên Lâu càng có vị trí đặc biệt không kém kinh đô của một nước.
Sử cũ đã chép về Sĩ Nhiếp: "Vương độ lượng khoan hậu, khiêm tốn kính trọng kẻ sĩ, người trong nước yêu mến đều gọi là Vương. Danh sĩ nhà Hán tránh nạn sang nương tựa có hàng trăm người".
Là một trung tâm quân sự, Liên Lâu được dựng đắp một toà thành vững chắc có tường cao hào sâu, có quân đội thường trực. Binh lính ở đây có cả người Trung Quốc và người Việt. Những người lính Việt đã sáng tạo ra loại vũ khí là mũi chông củ ấu bằng đất nung. Cách làm đơn giản này đã cung cấp hàng vạn mũi chông phòng thủ rắc kín quanh thành bảo vệ thành một cách hiệu quả.
Là một trung tâm văn hoá, Liên Lâu là nơi đầu tiên truyền bá chữ Hán và đạo Nho ở nước ta. Lời bàn của Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng cho rằng: Nước ta thông thi thư, tập lễ nhạc bắt đầu từ Sĩ Vương.
Liên Lâu cũng là nơi đầu tiên hình thành Đạo Phật, ngôi chùa đầu tiên thờ Phật ở nước ta là xây trên đất Liên Lâu. Cả đạo Nho và đạo Phật cùng lúc chọn Liên Lâu làm nơi để tồn tại, để bắt rễ vào nhân dân. Đây là một giai đoạn hình thành và phát triển mới nền văn hoá nước ta.
Là một trung tâm kinh tế, Liên Lâu đã có một bước tiến xa so với Cổ Loa. Liên Lâu đã là một trung tâm buôn bán lớn, gồm có khách buôn người Ấn Độ, người Trung Hoa. Đó là chưa kể người dân bản địa thường mang hàng hoá tới đây mua bán và trao đổi.
Những đồng tiền bằng đồng thời Đông Hán như tiền "ngũ thù", sớm hơn nữa là những đồng tiền "Hoá tuyền", "Đại tuyền ngũ thập"... thời Vương Mãng, thậm chí cả những đồng tiền thời Tây Hán, thời Tần tìm thấy rất nhiều trong các ngôi mộ táng.
Việc dùng tiền trao đổi đã phát triển hơn xưa. Hoang hoá nhiều hơn và đa dạng hơn, khách buôn nhiều hơn, việc trao đổi và mua bán sầm uất hơn... điều đó cho thấy phần "thị" của Liên Lâu đã phong phú, khiến cho Liên Lâu xứng đáng được coi là đô thị cổ đúng với tính chất của nó.