Kể năm hơn bốn ngàn năm
Tổ tiên rực rở anh em thuận hoà
Hồng Bàng là tổ nước ta
Nước ta lúc ấy hiệu là Văn Lang
Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 31/03/2013 00:00:00
"Hà Thành đầu độc" là vụ mưu sát và binh biến trong hàng ngũ bồi bếp và binh lính người Việt Nam phục vụ cho quân Pháp đóng ở thành Hà Nội diễn ra ngày 27 tháng 6 năm 1908. Mục đích của họ nhằm đầu độc quân Pháp để chiếm Hà Nội, thêm sự tiếp ứng và chỉ đạo từ bên ngoài của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, cùng với sự tham gia của Phan Bội Châu trong việc vạch kế hoạch để tạo cuộc khởi nghĩa đánh đuổi người Pháp.
Ngày 27/6/1908, anh em bồi bếp và binh lính người Việt thuộc Trung đội Công nhân pháo thủ Hà Nội đã tổ chức đầu độc binh lính Pháp đóng trong thành để phối hợp với nghĩa quân Yên Thế được bố trí ở bên ngoài nhằm giải phóng thành Hà Nội. Đứng đầu nhóm này là bếp Hiên (Nguyễn Văn Hiên còn gọi là Hai Hiên), cùng với bếp Xuân, bếp Nhiếp, Đặng Đình Nhân (tức đội Nhân), Nguyễn Trí Bình (Tư Bình), Nguyễn Văn Cốc (Dương Bé),… tất cả có trên 10 người. Nhóm có nhiệm vụ nội ứng bên trong: đầu độc 2000 binh lính Pháp thuộc hai trung đoàn pháo binh và bộ binh Pháp đóng trong thành Hà Nội, rồi bắn pháo hiệu làm hiệu lệnh tiến công cho các cánh quân của nghĩa quân chống Pháp đánh vào thành Hà Nội.
Tuy vậy mật vụ Pháp đã biết trước một phần kế hoạch do nghi ngờ các hoạt động của bếp Hiên. (Có tài liệu nói sự việc bị bại lộ do một trong những người biết việc đi nhà thờ, xưng tội với cha đạo). Trong bữa tối ngày 27 tháng 6 năm 1908, toàn bộ 200 lính Pháp được cho ăn cà độc dược và trúng độc, nhưng ngay sau đó quân Pháp báo động toàn thành và toàn bộ lính người Việt trong thành tham gia khởi nghĩa, chưa kịp bắn ba phát đại bác như đã định, thì đã bị tước vũ khí và bị bắt giam. Các cánh quân bên ngoài chờ đợi mãi không thấy hiệu lệnh tiến công từ trong thành phát ra. Biết bị lộ, theo lệnh của Hoàng Hoa Thám, nghĩa quân ở các hướng khẩn trương rút ra ngoài để khỏi bị quân Pháp bắt. Không có ai trong số lính Pháp bị thiệt mạng vì độc dược.
3034. Phạm nhân bị buộc tội trong âm mưu đầu độc (tháng Bẩy năm 1908) ở trong tù trước khi đem xét sử.
Các vị đầu bếp trong vụ “Hà thành đầu độc” khi bị giam ở Hỏa Lò. Trong gông cùm lạnh lẽo họ ngồi bình thản nhìn thẳng vào ống kính của kẻ thù, những cái nhìn kiên quyết, hiên ngang. Chỉ một vài ngày sau, họ đều lần lượt bị hành quyết, treo thủ cấp giữa đô thành. Vẻ trẻ trung, tuấn tú, an nhiên tự tại của những con người dám hy sinh vì nghiệp lớn khiến bất kì ai cũng phải kính nể. Trong số họ có một phụ nữ xinh đẹp, bà Nguyễn Thị Ba (ngồi thứ sáu từ phải sang), cuộc đời của bà được Tuổi Trẻ Online kể lại trong phóng sự " Cô hàng cơm dũng cảm".
Ngay ngày hôm sau, 28 tháng Sáu năm 1908, Hội đồng đề hình (Commission criminelle) được thành lập kết tội lính Việt "xâm phạm nền an ninh của chính phủ Bảo hộ". Ngày 8 tháng Bẩy năm 1908, quân Pháp đưa 3 người đầu tiên: Đặng Đình Nhân, Nguyễn Trí Bình (Tư Bình), và Nguyễn văn Cốc (Dương Bé) ra xử chém ở phía trước cột cờ Hà Nội, sau đó bêu đầu những người bị chém, nhằm khủng bố tinh thần người dân.
Jean Ajalbert – nhà văn, nhà báo Pháp đã từng đến Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ XX, miêu tả giờ phút lâm chung của các họ
"… Tóc búi ngược trên trán, những người tù bị cột chặt trước bọn đao phủ mặc đồ đen, lưỡi lê tuốt trần… Những người sắp chết muốn nói. Dương Bé cất tiếng bảo kẻ hành hình mình: – Anh hãy bảo cho vợ tôi, có lẽ đang đứng ở trong đám đông kia rằng, nếu đầu tôi được lìa ngọt lưỡi khỏi cổ, thì tôi thưởng cho anh 5 đồng bạc. Đặng Đình Nhân thì nhắn vợ ghi 3 chữ "Phó Đề đốc" lên linh bài thờ mình. Nguyễn Trí Bình, với một giọng quyết liệt đã nói: – Tôi cảm ơn những người Âu đã đến đây đông để nhìn tôi chết… Chết như thế này là một cái chết nhẹ nhàng… "
Ngày 3 tháng Tám năm 1908 xử tử thêm ba người: Nguyễn Văn Hiên (Bếp Hiên), Cai Ngà, và Bếp Xuân. Địa điểm chém là Vườn Bàng ở gần chợ Bưởi. Những giờ phút cuối cùng của họ được lưu lại trên bộ bưu ảnh "Triple Exécution Capitale – Hanoi, 6 Aout 1908" (Vụ tử hình ba người – Hà nội ngày 6 tháng 8 năm 1908) của hãng R. Bonal Photo (Hải Phòng).
2. Vụ tử hình ba người – Hà nội ngày 6 tháng 8 năm 1908. Những kẻ bị kết án bị đưa ra khỏi nhà tù đi đến nơi hành quyết. Ta dễ dàng nhận ra cổng nhà tù Hỏa Lò trong bức ảnh này.
(2). Đầu bếp Hai Hiên và viên Cai mang số lính 643 bị đưa đi xử tử.
Dòng tên hãng dọc mép phải bưu ảnh cho ta biết đây là bộ ảnh thứ hai của hãng R. Bonal phát hành về vụ sử trảm ngày 6 tháng Tám năm 1908. Chú thích của bộ ảnh này chi tiết hơn. Và chất lượng ảnh cũng tốt hơn. Tuy nhiên để tránh sự nhầm lẫn về trình tự khi đặt xen hai bộ ảnh vào nhau, số thứ tự của bộ ảnh thứ hai sẽ được đặt trong dấu ( )
3. Vụ tử hình ba người – Hà nội ngày 6 tháng 8 năm 1908. Đoàn người đi qua đường phố Hà nội để đến bãi hành quyết. Đây là phố Hỏa Lò, bên trái bức ảnh thấy rõ bức tường đá của nhà tù.
(5). Trong lúc tuyên án
5. Vụ tử hình ba người – Hà nội ngày 6 tháng 8 năm 1908. Phút khai đao
6. Vụ tử hình ba người – Hà nội ngày 6 tháng 8 năm 1908. Đao phủ ném thủ cấp lên không trung
7. Vụ tử hình ba người – Hà nội ngày 6 tháng 8 năm 1908. Những thân người đổ sập xuống khi hành quyết
8. Vụ tử hình ba người – Hà nội ngày 6 tháng 8 năm 1908. Cho xác vào quan tài.
(10) Thủ cấp được cho vào quan tài cùng phần thân.
9. Vụ tử hình ba người – Hà nội ngày 6 tháng 8 năm 1908. Những xác người được đưa về làng Cầu Giấy
10. Vụ tử hình ba người – Hà nội ngày 6 tháng 8 năm 1908. Hạ huyệt.
Ngày 29 hành quyết ba người nữa: Lang Sẹo, Cai Xe và Cai Tôn. Cuối cùng ngày 27 Tháng Mười Một năm 1908 thì bốn người cuối cùng bị chém: Đỗ Văn Đàm (Đồ Đàm), Đội Hổ, Lý Chánh, và Vinh. Ngoài 13 người phải tội chém, Hội đồng đề hình tuyên án sáu người khác tử hình khiếm diện, tổng cộng là 19 bị tội phải chết. Ngoài những án tử hình, Hội đồng đề hình xét bốn người bị tù khổ sai chung thân, 26 bị khổ sai hữu hạn (5-20 năm tù), và 10 bị án 1-5 năm tù. Tổng cộng hình án là 59 người.
Năm 2008, nhân kỉ niệm 100 sự kiện Hà Thành đầu độc, một loạt các báo lật lại sự kiện này, trong đó thông tin nổi bật là phần mộ của những người bị xử tử. Theo Wikipedia cũng như các báo các báo địa điểm chém là Vườn Bàng ở gần chợ Bưởi. Mộ tập thể không đầu của 9 người này lúc đầu chôn ngay tại pháp trường. Về sau khi người Pháp lấy Vườn Bàng làm xưởng nhuộm thảm thì mộ bị chuyển tới một khu đất thuộc Nghĩa Đô Từ Liêm. Năm 1988, ngôi mộ này đã được xác định chính xác là nằm tại vườn nhà ông Nguyễn Đức Hỷ, xóm 2 phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, theo chú thích trên bộ ảnh của hãng Bonal Photo, ta thấy ngay sau khi bị hành quyết, xác của họ được chuyển về Cầu Giấy. Câu chuyện của hậu duệ những tử sĩ này kể về hành trình tìm mộ người thân đầy những tình tiết rùng rợn như các chết của họ.
(Còn tiếp)
===============
(Lưu ý: Phần chú thích được high light mầu tím nhạt dưới mỗi bức ảnh được dịch từ nguyên bản chú thích trên bưu ảnh, nhằm mục đích tìm hiểu quan điểm của nhà sản xuất)
Giáo sư Cao Chi đã biên dịch một đề tài mới nhất trong vật lý thiên văn hiện đại, mô tả các liên đới trong vũ trụ, để từ đó giải thích các hiện tượng rối lượng tử. Mà trong đó, hai hạt lượng tử dù...
Cửu đỉnh được coi là bộ bách khoa thư của Việt Nam được các học sỹ dưới thời phong kiến soạn ra một cách hết sức tổng quát.
Đã đến lúc cần cấp tốc loại bỏ thứ "văn hóa đóng khố" ra khỏi nhận thức về trang phục thời đại Hùng Vương, vì đó là một sai lầm nguy hại.
Theo lập luận của GS Nguyễn Văn Hảo, trống đồng ra đời ở Việt Nam và được người Trung Quốc mang về làm thêm một số họa tiết...