Kể năm hơn bốn ngàn năm
Tổ tiên rực rở anh em thuận hoà
Hồng Bàng là tổ nước ta
Nước ta lúc ấy hiệu là Văn Lang
Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 23/04/2013 00:00:00
Hoàng Hoa Thám gắn với cuộc khởi nghĩa Yên Thế qua lời kể dân gian là cả một “kho cổ tích” đầy những bất ngờ lẫn thú vị.
Từ lâu, giới nghiên cứu lịch sử nước ta đã dành không ít thời gian và tâm trí để tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của người được mệnh danh là “Hùm thiêng Yên Thế”. Người anh hùng Hoàng Hoa Thám – thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884 – 1913) đã nếm mật nằm gai gần 30 năm trời trong rừng để chống Pháp. Với tài năng hiếm có của một thủ lĩnh trong rừng sâu, quân Pháp đã gọi ông là “Hùm thiêng Yên Thế”. Không chỉ vậy, trong những ghi chép sau này, quân Pháp còn vô cùng ngạc nhiên trước những thành luỹ bằng đất mà Hoàng Hoa Thám cho xây dựng. Pháp gọi đó là những “hang hùm”, có vào mà không có ra.
Cổng chính Đồn Phồn Xương.
Khởi phát từ Đền Thề
Trước khi dày công tìm hiểu những câu chuyện dân gian lẫn chính sử về Hoàng Hoa Thám, chúng tôi đã tìm gặp ông Đinh Công Huynh – Chánh văn phòng UBND huyện Yên Thế (Bắc Giang), một trong những người tâm huyết và am hiểu về mảnh đất mà “Hùm thiêng Yên Thế” từng dùng làm căn cứ suốt 30 năm trời ròng rã chống lại quân Pháp.
Ông Huynh bảo: “Nếu chỉ tìm và đọc chính sử về Hoàng Hoa Thám thì chưa đủ. Vì Đề Thám gắn bó sâu sắc với rừng sâu, dựa vào rừng mà sống, dựa vào rừng mà chống Pháp. Rừng như lớp lá chắn cho nghĩa quân của ông. Từ những cánh rừng ở Yên Thế, những câu chuyện và cả những huyền thoại về Đề Thám và gia đình ông có những lúc được giữ bí mật, nhưng có những lúc được lan truyền. Thế nhưng, hầu hết chính sử không thể ghi chép về cuộc đời và những hoạt động dân dã của anh hùng Hoàng Hoa Thám”.
Nằm trong Khu di tích Hoàng Hoa Thám, hẳn không ai có thể bỏ qua Đền Thề - một chứng tích vĩ đại nhất cho những trận đánh vang trời. Đó từng là nơi “kết nghĩa vườn đào” uống máu ăn thề của nghĩa quân trước những trận xuất binh tiêu diệt quân địch.
Nhưng không ít người hiểu nhầm rằng, đó là một ngôi đền. Còn thực tế, theo các cao niên ở thị trấn Cầu Gồ thì tiền thân của Đền Thề là chùa Thề. Chùa Thề chỉ cách Đồn Phồn Xương khoảng trên dưới 100 bước chân. Đề Thám đóng quân tại đây, ông cho quân tu sửa các đình đền miếu mạo, lấy chùa Thề rộng lớn linh thiêng làm chốn tụ quân để lính tráng thề nguyền trước khi ra trận.
Cũng theo các cao niên thì chùa Thề có địa thế hiểm yếu, được bao bọc bởi rừng rậm, thuở ấy còn nhiều hổ báo rình rập nên chùa Thề rất an toàn. Trải qua thời gian sau mấy lần tu sửa, chùa Thề không còn nguyên vẹn dáng dấp xưa cũ nhưng vẫn rất cổ kính uy nghiêm. Những kèo cột bằng gỗ mà Hoàng Hoa Thám cho thợ mộc đục đẽo bào chế vẫn còn nguyên vẹn, tuy một số chỗ đang bị mối mọt nhưng đã được các chuyên gia xử lý bằng thuốc khá cẩn thận.
Đồn Hố Chuối sau năm 1891.
“Đồn tử thần” giữa rừng chết
“Đồn tử thần” là tên gọi mà quân Pháp đặt cho Đồn Hố Chuối thuộc thung lũng Hố Chuối xã Phồn Xương. Hiện nay, Đồn Hố Chuối không còn nữa, chỉ còn lại những tàn tích dưới lớp cỏ dại. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm lại được một bức ảnh nhạt nhoà về Đồn Hố Chuối do một sỹ quan Pháp chụp được vào những năm 1900.
Với kinh nghiệm xây lũy đắp thành mà Hoàng Hoa Thám có được, ông cho chọn thung lũng Hố Chuối để xây dựng đồn trong vòng 4 năm (từ 1887 đến 1891). Quân Pháp nhiều lần cho mật thám dùng kính viễn vọng quan sát nhưng không phát hiện được gì phía trong đồn. Cụ Hoàng Văn Tính ở thị trấn Cầu Gồ cho hay: “Thời xưa, cha ông chúng tôi cũng theo nghĩa quân làm đồn Hố Chuối. Nghe nói, đó là một pháo đài phòng thủ rất kiên cố. Địa hình cùng những thành luỹ bao bọc rất chắc chắn, là một thành trì dễ thủ khó tấn công”.
Đồn Hố Chuối thực sự trở thành nơi chết chóc đối với quân Pháp. Minh chứng rõ nét nhất là sau 4 lần hành quân của các tướng Gôđanh, Tannơ, Mayơ, Phơrây cùng trên 2 nghìn lính trang bị hiện đại đã tấn công Đồn Hố Chuối, Hoàng Hoa Thám với lực lượng mỏng chỉ 150 người đã chống chọi quyết liệt, chôn thây hàng nghìn xác lính Pháp tại trận địa này.
Giải thích về cái tên Hố Chuối, người dân Yên Thế đều cho rằng, đồn được xây giữa một rừng chuối rộng lớn, đó còn là hố chôn người nên Hoàng Hoa Thám quyết định lấy tên là Đồn Hố Chuối. Chỉ cần nhắc đến tên đồn, quân Pháp đã khiếp đảm vì đó là nơi có vào mà không có ra.
Bức tường phụ sau cổng chính vẫn còn nguyên vẹn.
Phồn Xương - thành luỹ bất hủ
Ông Nguyễn Công Đoàn – Phó giám đốc Trung tâm Văn hoá – Thể thao – Du lịch huyện Yên Thế cho hay: “Đồn Phồn Xương là thành luỹ bất hủ và rộng lớn nhất mà Đề Thám cho xây dựng. Đồn Phồn Xương vừa là nơi ở của nghĩa quân, gia đình Đề Thám mà còn là nơi gặp gỡ, đàm đạo giữa Đề Thám và các anh hùng đương thời”.
Theo ông Đoàn, Đồn Phồn Xương đã 2 lần tiếp đón nhà yêu nước Phan Bội Châu. Chính cụ Phan cũng rất ngạc nhiên và thán phục tinh thần thép của Đề Thám. Đồng thời, qua cung cách xây dựng đồn, cụ Phan đánh giá Đề Thám là một thủ lĩnh tài ba, am hiểu trận pháp, cách phòng bị và tấn công.
Hiện nay, Đồn Phồn Xương tuy không còn nguyên vẹn nhưng phần tường và cổng chạy dài vẫn rất chắc chắn. Tất cả được làm từ đất theo kiểu nhà trình tường. Có những lỗ châu mai để lính gác quan sát và tấn công khi có sự cố.
Còn theo các cao niên, Đồn Phồn Xương gồm có 3 cổng. Cổng chính quay về hướng Đông, hai cổng còn lại quay ra hướng Nam và Bắc. Các cổng phụ này chạy thẳng ra những cánh rừng rậm phòng khi cổng chính thất thủ. Cả 3 cổng đều có hai lớp tường đất bảo vệ cùng hệ thống các bốt canh gác. Đồn Phồn Xương cũng là một trong những “hang hùm” hiểm trở nhất mà “Hùm thiêng Yên Thế” đã xây dựng.
=====================
Ông Hoàng Minh Hồng (Ban quản lý di tích Hoàng Hoa Thám) cho biết: “Năm 2011, tại Đền Thề diễn ra buổi cúng lễ các linh hồn tử sỹ của nghĩa quân Yên Thế, sau nghi thức gọi hồn cháy 7 tuần nhang thì hiện tượng lạ xảy ra. Bốn xung quanh trời nắng ráo, chỉ duy nhất có phần sân dành cho nghi thức gọi hồn là mưa tầm tã, mọi người sợ hãi nhưng cũng tin rằng đó là do sự linh thiêng của Đề Thám và nghĩa quân”.
Ông Đồng Ngọc Dưỡng (Ban Quản lý Di tích tỉnh Bắc Giang): “Đồn Phồn Xương chính là thủ phủ của cuộc khởi nghĩa, nơi bắt đầu để mở mang phong trào ra các địa phương. Tại đây nghĩa quân đã chiến đấu dũng cảm chống lại cuộc tiến công quy mô lớn của thực dân Pháp do đại tá Vát-tay chỉ huy ngày 30/1/1909. Là di tích đặc biệt trong quần thể di tích khởi nghĩa Yên Thế, đồn Phồn Xương cùng nhiều điểm di tích khác được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch nâng cấp xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt, xứng tầm với giá trị và ý nghĩa trong lịch sử dân tộc”.
Giáo sư Cao Chi đã biên dịch một đề tài mới nhất trong vật lý thiên văn hiện đại, mô tả các liên đới trong vũ trụ, để từ đó giải thích các hiện tượng rối lượng tử. Mà trong đó, hai hạt lượng tử dù...
Cửu đỉnh được coi là bộ bách khoa thư của Việt Nam được các học sỹ dưới thời phong kiến soạn ra một cách hết sức tổng quát.
Đã đến lúc cần cấp tốc loại bỏ thứ "văn hóa đóng khố" ra khỏi nhận thức về trang phục thời đại Hùng Vương, vì đó là một sai lầm nguy hại.
Theo lập luận của GS Nguyễn Văn Hảo, trống đồng ra đời ở Việt Nam và được người Trung Quốc mang về làm thêm một số họa tiết...