Huyền thoại bà Ba của Hùm thiêng Yên Thế

Ngày đăng: 02/05/2013 00:00:00

Trong các bà vợ của Đề Thám, bà ba Đặng Thị Nhu (tên thường gọi là Nho) còn được biết đến là bà Ba Cẩn nổi tiếng tài giỏi.


Với tài trí trên thông thiên văn dưới tường địa lý, am hiểu Thái Ất thần kinh, kỳ môn độn giáp... bà đã giúp nghĩa quân của Đề Thám giành nhiều thắng lợi.



"Cọc đi tìm trâu"

Ông Hoàng Minh Hồng - Hậu duệ đời thứ 5 của quân sư Hoàng Điển Ân, hiện đang phụ trách Ban Quản lý Khu di tích Hoàng Hoa Thám cho biết: "Chính sử không ghi nhưng ở Yên Thế ai cũng biết tài sắc vẹn toàn của bà Ba Cẩn. Năm sinh của bà cho đến nay chưa ai xác định được rõ. Nhưng đích xác bà là con gái của một ông phù thuỷ người Thổ Hà (Việt Yên)".

Cũng theo ông Hồng, bà Đặng Thị Nhu từ nhỏ được người cha với vốn kiến thức uyên thâm đã truyền dạy cho bà những thủ thuật hiếm có để làm những việc lớn trong thiên hạ. Như phép tính trong Thái Ất thần kinh (phép tính này trong lịch sử Việt Nam mới chỉ có Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lĩnh hội được - PV) bà Nhu cũng thuộc làu trong lòng bàn tay. Ngoài ra, theo tương truyền dân gian, bà Nhu còn thông thuộc kỳ môn độn giáp, có thể tiên đoán trước được nhiều sự việc.



Posted ImageCụ Đề Thám và các con



Vốn nhan sắc lại tài năng nên gia đình bà bị một tên quan nhà giàu trong vùng ép gả cưới. Căm hận bọn quan lại bất nhân, lại nghe tiếng lành của Đề Thám nên bà đã lặn lội "cọc đi tìm trâu" ngược dòng sông Thương lên Bố Hạ - Yên Thế để gặp được người thủ lĩnh trong mộng và cũng là cách công khai chống đối lại bọn cường quyền.

Sau 3 ngày đàm đạo chuyện chính sự tại đền Bến Nhãn (đền thờ Trần Hưng Đạo - PV), Đề Thám thấy cô gái họ Đặng là người am hiểu nên đã nhanh chóng kết duyên chồng vợ. Từ đó, bà Ba Cẩn vừa là vợ, vừa là một quân sư đắc dụng cho Đề Thám và nghĩa quân Yên Thế. Nhiều trận đánh với sự cố vấn của bà, Đề Thám đã nhanh chóng giành chiến thắng.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh Hồng thì trong một giả thiết khác của một nhà nghiên cứu đương thời tên là Thái Gia Thư thì khi Đề Thám đi lánh nạn tại một ngôi làng nhỏ và gặp bà Đặng Thị Nhu. Đề Thám nói dối là mình là dân buôn bị cướp hết tiền.

Thương cảm, bà Nhu mới đưa Đề Thám về gặp cha. Ở đây, ông gặp một thuộc cấp dưới quyền đang là con nuôi của gia đình bà Nhu. Nhờ vậy, gia đình bà Nhu trở thành cơ sở bí mật của nghĩa quân Yên Thế. Tâm đầu ý hợp nên chỉ một thời gian ngắn, Đề Thám cưới bà Nhu làm vợ thứ ba và đưa về đồn Phồn Xương để cùng bàn soạn hoạt động chống thực dân Pháp.



Posted Image


Bà Ba Cẩn và con gái Hoàng Thị Thế.


 


Tuẫn tiết thể hiện lòng trung

Năm 1901, bà Ba Cẩn sinh được con gái đầu lòng đặt tên là Hoàng Thị Thế với ý nghĩa là vùng đất Yên Thế - nơi nghĩa quân khởi phát. Đến năm 1908, bà sinh được một người con trai đặt tên là Hoàng Hoa Phồn (sau này đổi thành Hoàng Văn Vi để tránh sự truy nã gắt gao của thực dân Pháp), đánh dấu vùng đất Phồn Xương - nơi có đồn Phồn Xương, một pháo đài bằng đất bất hủ mà Hoàng Hoa Thám đã xây dựng trước đó.

Cũng tại đồn Phồn Xương này, bà Ba Cẩn đã cùng Hoàng Hoa Thám và quân sư Hoàng Điển Ân nghĩ ra nhiều kế sách khiến quân viễn chinh Pháp nhiều phen khốn đốn. Thậm chí, đã có lần đích thân bà Ba Cẩn không biết bằng cách nào đã đột nhập được vào doanh trại quân Pháp tại ở Hà Nội nhằm đầu độc binh lính viễn chinh. Việc bất thành, nhưng quân Pháp chỉ nghe tiếng bà đã sợ mất vía. Mật thám Pháp sau nhiều lần dò la, đã xác định bà Ba Cẩn là mối lo lớn cần phải triệt tiêu ngay lập tức.

Năm 1909, Pháp triển khai quân bố ráp khắp nơi. Sau một tháng lăn lộn nơi cửa tử ở Vĩnh Yên, Hoàng Hoa Thám vượt vòng vây về đến Yên Thế. Nhưng thực dân Pháp lại giăng bẫy tiếp tục tấn công, Đề Thám cùng bà Ba Cẩn đã chống trả kịch liệt. Thấy tình thế khó xoay chuyển, bà Ba Cẩn đã khuyên chồng nên rút lui vào rừng. Sáng 1/12/1909 bà Ba Cẩn và con gái là Hoàng Thị Thế bị quân địch bắt giữ.

Sau một thời gian mẹ con bà Ba Cẩn bị giam tại Hoả Lò (Hà Nội), thực dân Pháp đày mẹ con bà sang Nam Mỹ. Trong lúc quân canh sơ hở, bà Ba Cẩn đã nhảy xuống biển tự tử vào ngày 25/12/1910 để thể hiện lòng trung với nghĩa quân và với Tổ quốc.


Posted Image


Chân dung bà Ba Cẩn.


 


Đền thờ trong đồn Phồn Xương


Ông Hoàng Minh Hồng cho biết: "Con gái của bà là Hoàng Thị Thế sau đó được một viên sĩ quan đánh thuê cho thực dân Pháp là người nước Bỉ đã nhận nuôi và đưa về Pháp cho ăn học rất tử tế. Bà Thế sau này là diễn viên điện ảnh người Việt Nam đầu tiên tại Pháp. Hiện 2 người con trai của bà Thế vẫn ở Pháp, thỉnh thoảng họ có về thăm quê và tôi là người liên lạc cũng như tiếp đón họ".

Hiện nay, trong đồn luỹ Phồn Xương, ngay chính gian nhà mà Đề Thám và bà Ba Cẩn từng ở trước đây là đền thờ bà Ba. Đền thờ được nhân dân xây dựng năm 1995, bên cạnh đó là ngôi mộ của bà Hoàng Thị Thế - con gái bà Ba Cẩn cùng bị lưu đày ở Nam Mỹ.

Trong tâm trí của người dân huyện Yên Thế nói riêng, của nhân dân Bắc Giang nói chung, bà Ba Cẩn mãi là tấm gương sáng trong như ngọc. Một tấm gương vì chồng vì con và cao hơn tất thảy là vì Tổ quốc. Đền thờ bà Ba Cẩn không chỉ là chốn tâm linh thiêng liêng mà còn là nơi để nhân dân địa phương tưởng nhớ đến bà.


=================


Ông Hoàng Minh Hồng (Ban Quản lý Khu di tích Hoàng Hoa Thám) cho biết:


- "Đặng Thị Nhu là người có trí dũng, từng xông pha trận mạc, giúp chồng đắc lực trong cuộc kháng Pháp. Khoảng đầu năm 1909 dù binh cùn thế kiệt, bà vẫn cùng chồng oanh liệt chỉ huy nghĩa quân chống địch trong trận đánh ở chợ Gồ, khiến các lực lượng do viên Đại tá Bataille đốc suất phải nể vì... Bà là một tấm gương sáng của phụ nữ nước Việt" - Sách "Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam" ghi nhận công lao của bà Ba Cẩn.

- "Nhiều người đến thăm khu di tích Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế thường hay hỏi tôi: "Mộ bà Ba Cẩn ở đâu?". Đây là một câu hỏi khó, vì có lẽ thân thể xương cốt bà đã mãi mãi ở lại với biển vì cuối năm 1910, bà Ba Cẩn đã nhảy xuống biển tự tử. Việc tìm mộ bà Ba Cẩn theo tôi là chuyện cực khó nếu không muốn nói là không thể".



Bài viết cùng chuyên mục

Giáo sư Cao Chi đã biên dịch một đề tài mới nhất trong vật lý thiên văn hiện đại, mô tả các liên đới trong vũ trụ, để từ đó giải thích các hiện tượng rối lượng tử. Mà trong đó, hai hạt lượng tử dù...

Cửu đỉnh được coi là bộ bách khoa thư của Việt Nam được các học sỹ dưới thời phong kiến soạn ra một cách hết sức tổng quát.

Đã đến lúc cần cấp tốc loại bỏ thứ "văn hóa đóng khố" ra khỏi nhận thức về trang phục thời đại Hùng Vương, vì đó là một sai lầm nguy hại.

Theo lập luận của GS Nguyễn Văn Hảo, trống đồng ra đời ở Việt Nam và được người Trung Quốc mang về làm thêm một số họa tiết...