Kho rồng

Ngày đăng: 21/05/2012 00:00:00

Thật là lạ trong thập nhị địa chi tương ứng vơi 12 con vật biểu tượng thì có mỗi rồng là không có ngoài đời thực. Thế nhưng rồng lại xuất hiện nhiều nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt suốt từ thế kỷ thứ 10 đến cuối thế kỷ 19.


Giai đoạn 1000 năm Bắc thuộc và trước nữa là thời Đông Sơn thì không có hoặc tới nay vẫn chưa tìm thấy một hiện vật nào hình rồng. Na ná rồng như giun, cá sấu… thì có. Nhưng gần mười thế kỷ sau đó, cùng với sự lên ngôi của Lý‎ Công Uẩn, hình tượng rồng lại trở nên quen thuộc. Có phải là các thế hệ nghệ sĩ cha ông ta thích đề tài rồng, thích vẽ, nặn, khắc con vật này hơn 11 con khác trong 12 con giáp và những con khác hay không? Hay vì rồng là một con vật đặc biệt?




Hình rồng mây lửa khắc gỗ, điêu khắc đình thế kỷ 17


Trọng trách của rồng


Điều đặc biệt trước tiên như đã nói, rồng là con vật của tưởng tượng. Quan trọng hơn, rồng là con vật cùng một lúc mang (bị mang) hai biểu tượng rất “nghiêm trọng”: biểu tượng quyền lực, từ Lý‎ đến Nguyễn đời nào cũng vậy. Không thấy một ông vua nào khi lên ngôi nghĩ hẳn ra một con vật hoàn toàn khác làm biểu tượng, cũng không thấy ông vua nào chọn một con vật có sẵn khác như trâu hay hươu nai làm biểu tượng. Biểu tượng thứ hai mà rồng phải mang vác là biểu tượng của tín ngưỡng vì rồng nằm trong bộ tứ long, ly, quy, phượng. Sự chọn lựa này chắc cũng ngẫu nhiên thôi bởi vì chẳng ai giải thích được thấu đáo và hợp lý  lý do của sự chọn lựa bốn con vật này tại sao lại linh hơn những con vật khác.


Ấy là còn chưa kể rồng còn phải mang biểu tượng của một trong 12 con giáp (tương đương dân chủ và bình đẳng với lợn gà dê bò…), biểu tượng này của rồng khá “dễ thở”, là tháng thổ đầu tiên trong năm đóng vai trò chuyển êm từ xuân sang hè.


Rồng một lúc phải đóng nhiều vai cho nên rồng xuất hiện nhiều, có thể nói là nhiều nhất so với các con vật khác cũng là dễ hiểu. Ngai vàng, quần áo, mũ mãng, dao kiếm của vua phải có hình rồng, cánh cửa chùa (chùa Phổ Minh), bệ đá chùa (chùa Bối Khê) cũng rồng, cho đến trán bia ở đình đền miếu (ví dụ bia Văn Miếu) cũng vẫn rồng.




Rồng chầu mặt nguyệt, sơn son thiếp vàng thế kỷ 1


Nhưng trong đời sống làm gì có con rồng. Cái ga khởi hành trong hiện thực không có sẵn. Các nghệ sĩ cha ông chúng ta đã “làm thay công việc của Chúa”. Đó là sáng tạo ra hiện thực. Trên cơ sở những con vật như giun, rắn, cá sấu, giao long, chim muông, thú, cua cá, họ nhào nặn, cộng trừ nhân chia them bớt… tạo ra một con vật và gọi nó là con rồng rồi áp đặt cho nó vài ba đức tính nọ kia. Đó là công cuộc sáng tạo thứ nhất. Khó khăn, quan trọng nhưng chưa đủ. Cuộc sáng tạo lần hai hay hơn, tức là đưa cái hiện thực không có thực đó, cái hiện thực mình vừa tạo ra đó thành tác phẩm.


Có một kho rồng


1000 năm trải qua các thời kỳ (từ Lý, Trần, Hồ, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Lê Mạt, Nguyễn) hình tượng Rồng đã có nhiều thay đổi từ tạo hình, bố cục, chất liệu. Dễ nhận thấy những nét chính như sau: rồng Lý mượt mà, tinh tế, uốn lượn mềm mại. Rồng Trần nhìn bề mặt giống Lý nhưng tinh thần thì khác, thô và khỏe hơn. Rồng Mạc bỏ hẳn lối uốn khúc hình sin của Lý Trần, tuy ít uốn lượn nhưng vẫn mềm mại gây cảm giác mộc mạc, giản dị. Rồng Lê Trung Hưng và Lê Mạt có hai đột phá là phần thân ở đoạn giữa có thêm một nhịp võng xuống tạo thành hình yên ngựa và thứ hai là hình mây lửa ở đuôi, bờm hoặc kết hợp rồng và những đám mây lửa hòa cùng nhau. Rồng Nguyễn là vẻ đẹp của cầu kỳ, kỹ lưỡng, trau chuốt.

Cách thức thể hiện rồng qua các thời kỳ từ đục đẽo, chạm khắc cho đến đúc, gò, đắp nổi và chủ yếu ở dạng phù điêu. Rồng có mặt trên tất cả các chất liệu: đá, đất nung, gỗ, gốm, đồng, sơn mài. Rồng có ở nhiều dạng bố cục: chữ nhật, tròn, lá đề, bán nguyệt.


Phương pháp tạo hình rồng kết hợp với những đề tài khác làm hình tượng rồng càng trở nên phong phú.


Ví dụ: cá hóa rồng (tháp Đăng Minh đời Trần, đình Lỗ Hạnh đời Mạc).


Rồng hóa mây (lan can đá ở cổng vào Văn Miếu).


Tiên nữ cưỡi rồng (đình Lỗ Hạnh thời Mạc và ở chùa Keo thời Lê Trung Hưng)


Rồng ôm chữ phúc (chùa Bối Khê, thời Lê Trung Hưng)


Rồng ngậm chữ thọ (đền Phú Đa, thời Lê Mạt)


Rồng chầu chữ Phật (chùa Kim Liên, Tây Hồ thời Lê Sơ)


Trong giai đoạn hiện đại, rồng rất hiếm khi xuất hiện vì chức năng thể hiện thần quyền và pháp quyền của nó không còn nữa, chỉ là một đề tài như muôn đề tài khác. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến sự vắng bóng rồng trong hội họa và điêu khắc hiện đại.


Trong nghệ thuật trang trí và kiến truc hiện đại cũng vậy, rất ít đất cho rồng. Đình chùa miếu mạo đều có tu sửa cũng chỉ là bồi, đắp, tô, trát lại. Nếu xây mới thì cũng chép lại theo mẫu rồng cũ, không sáng tạo thêm được gì. Giả sử nếu muốn sáng tạo thì rất khó có thể vượt được cha ông – những người đã khai thác rất kĩ hình tượng rồng từ chất liệu, đề tài, bố cục, cách tạo hình để góp vào mĩ thuật truyền thống Việt Nam cả một… kho rồng qu‎ý báu.


Trong nghệ thuật có hai phần nội dung và hình thức. Đề tài thuộc nội dung là phạm trù ít thay đổi hơn so với hình thức. Những đề tài nào mất đi tức là nhu cầu cuộc sống không cần đến  nữa, đó là quy luật. Rồng là đề tài như vậy. Nhưng xem rồng, nghiên cứu học hỏi, thưởng thức rồng thì không thể có gì thay được vì đó đã là một tác phẩm tiêu biểu trong kho tàng nghệ thuật của dân tộc.

Bài viết cùng chuyên mục

Giáo sư Cao Chi đã biên dịch một đề tài mới nhất trong vật lý thiên văn hiện đại, mô tả các liên đới trong vũ trụ, để từ đó giải thích các hiện tượng rối lượng tử. Mà trong đó, hai hạt lượng tử dù...

Cửu đỉnh được coi là bộ bách khoa thư của Việt Nam được các học sỹ dưới thời phong kiến soạn ra một cách hết sức tổng quát.

Đã đến lúc cần cấp tốc loại bỏ thứ "văn hóa đóng khố" ra khỏi nhận thức về trang phục thời đại Hùng Vương, vì đó là một sai lầm nguy hại.

Theo lập luận của GS Nguyễn Văn Hảo, trống đồng ra đời ở Việt Nam và được người Trung Quốc mang về làm thêm một số họa tiết...