Vai trò của phong trào khởi nghĩa Yên Thế đối với lịch sử dân tộc Việt Nam

Ngày đăng: 29/03/2013 00:00:00

Cuộc chinh phục Việt Nam của thực dân Pháp đến năm 1897 đã hoàn thành về cơ bản. Phong trào vũ trang khởi nghĩa của văn thân sĩ phu được phát động rầm rộ từ miền Trung, rồi nhanh chóng lan ra miền Bắc và vào miền Nam sau khi vua Hàm Nghi rời khỏi kinh thành Huế phát hịch Cần Vương (13-7-1885) đến năm 1896 cũng đã đi vào thời kỳ tàn lụi với sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Hương Sơn, Hương Khê và cái chết của chủ tướng Phan Đình Phùng.


Đành rằng còn có một số thổ hào địa phương nổi dậy ngay từ đầu những ngày thực dân Pháp mới đặt chân tới đất nước ta vẫn cố vượt qua muôn vàn khó khăn của thời kỳ đổi mới để tiếp tục hoạt động, nhưng cũng chỉ đóng khung trong phạm vi nhỏ hẹp từng vùng để rồi dần tan rã. Đặc biệt trong khi đó cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám đứng đầu vẫn tiếp tục hoạt động, tất nhiên trong những điều kiện chiến đấu của thời kỳ mới cũng bắt buộc phải có những điều chỉnh mới về tổ chức lực lượng, cũng như về cách đánh. Nhưng đến đầu tháng 12-1897 hai bên thực dân Pháp và nghĩa quân Yên Thế đã đình chiến lần thứ hai, mỗi bên có những mục đích riêng. Thực dân Pháp thì cố tranh thủ thời gian đình chiến để chuẩn bị thêm điều kiện về lực lượng và vũ khí chờ ngày triệt hạ pháo đài cuối cùng của nhân dân ta và kết thúc giai đoạn bình định quân sự có lợi cho chúng. Còn nghĩa quân Yên Thế thì cũng ra sức củng cố lực lượng, xây dựng căn cứ chuẩn bị đối phó với những cuộc tấn công lớn biết trước thế nào cũng sẽ tới, và bước sang những năm 1909 đến 1913 thì dù cho có hoạt động đi chăng nữa thì cũng chỉ là những đợt sóng cuối cùng của phong trào yêu nước giết giặc hồi đó mà thôi. Để rồi với cuộc tấn công có quy mô lớn của quân đội thực dân Pháp bắt đầu từ ngày 9-1-1909 kéo dài gần một năm trời đến tận đầu tháng 1-1910 mới chấm dứt, sau đó với cái chết bi hùng của thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám (10-2-1913) thì phong trào khởi nghĩa Yên Thế mới thật sự chấm dứt.

Có thể khẳng định rằng, trong các phong trào chống Pháp của nhân dân ta trước chiến tranh Thế giới lần thứ nhất (1914-1918) thì cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám đứng đầu kéo dài lâu nhất (1883-1913) làm cho thực dân Pháp lo ngại nhất và tổn thất nhiều nhất. Đồng thời cũng có thể khẳng định rằng loại hình đấu tranh tự phát của nông dân Yên Thế tuy song song, tồn tại và phát triển cùng với phong trào Cần Vương chống Pháp (1885-1896), nhưng lại có trước, tồn tại lâu dài hơn, lại tương đối độc lập so với phong trào Cần Vương.


Phong trào khởi nghĩa Yên Thế (1883-1913), xét về mặt ý nghĩa và tác dụng của phong trào đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, có một vị trí và vai trò vô cùng to lớn.


Trước hết, xin nói về sự chuyển biến tính chất phong trào trong quá trình phát triển. Có thể căn cứ trên các vật biểu hiện để chia quá trình phát triển của phong trào khởi nghĩa Yên Thế ra hai giai đoạn; từ quy tụ, tổ chức, thống nhất lực lượng đến xây dựng địa bàn, tổ chức công tác hậu cần đến bố trí đánh và dành những chiến công oanh liệt. Nhìn chung, có thể khẳng định rằng phong trào nông dân Yên Thế đã đóng góp vào lịch sử quân sự Việt Nam những nét độc đáo về quy mô, cường độ, hiệu quả, cũng như các đặc điểm về chiến thuật, thì tổ chức xây dựng lực lượng và căn cứ làng xã đến tác chiến du kích trên một địa bàn rộng khắp. Nhưng quan trọng hơn cả là do sự chuyển biến tính chất của phong trào yêu nước của nhân dân ta từ những năm cuối thế kỷ XIX sang những năm đầu thế kỷ XX, phong trào nông dân Yên Thế từ một phong trào mang “cốt cách phong kiến” của giai đoạn cuối thế kỷ XIX, nhưng bước sang những năm đầu thế kỷ XX đã hoà dần và chịu ảnh hưởng của phong trào yêu nước cách mạng có tính chất tư sản của nhân dân ta hồi đầu thế kỷ XX. Thể hiện rõ ở chỗ chủ tướng Hoàng Hoa Thám đã có tiếp xúc với các nhà yêu nước của thời kỳ mới như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh để bàn bạc phương thức và việc phối hợp tác chiến trong tình hình mới, việc viện trợ lẫn nhau giữa các phong trào, như với Duy Tân hội, với Đông Kinh nghĩa thục dẫn tới một số sự kiện tiêu biểu, như thành lập đảng Nghĩa Hưng tại Hà Nội và còn có cơ sở ở Bắc Ninh, Nam Định hay vụ Hà Thành đầu độc cuối năm 1908. Để thấy rõ thêm sự chuyển biến tử tưởng của Đề Thám, cần biết thêm hai sự kiện liên quan. Đó là cuối năm 1907, Đề Thám đã có sự tiếp xúc với nhà cách mạng Trung Hoa là Tôn Trung Sơn. Sự kiện thứ hai là cuộc tiếp xúc với Phan Chu Trinh ở Nhật Bản về năm 1906, cuộc tiếp xúc này đã không đạt kết quả nào do sự cách xa nhau giữa Đề Thám và Phan Chu Trinh về tư tưởng và phương pháp quân sự.


Như vậy là từ một phong trào đấu tranh tự phát của nông dân mang tính chất phong kiến, phong trào khởi nghĩa Yên Thế từ đầu thế kỷ XX đã chuyển sang phạm trù tư sản. Nhưng đúng như nhận định của đồng chí Trường Chinh thì dù có trải qua hai giai đoạn như vậy, nhưng từ đầu đến cuối phong trào khởi nghĩa Yên Thế vẫn là một cuộc đấu tranh tự phát của nông dân với tất cả những đặc điểm vốn có và gắn liền với bất cứ một phong trào nông dân nào khi chưa bắt gặp sự lãnh đạo của giai cấp tiên tiến. Cũng vì vậy mà khi đánh giá các phong trào yêu nước cách mạng đầu thế kỷ XX, trước khi xuất dương tìm đường cứu nước mới, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Bác Hồ, là Hồ Chí Minh) đã nhận định rằng phong trào khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo vẫn mang “cốt cách phong kiến” và chính vì hạn chế đó, đặt trong bối cảnh Việt Nam lúc đó, phong trào khởi nghĩa không thể không thất bại trước sức tấn công dồn dập và ác liệt của kẻ thù là thực dân Pháp đang ở trong  thế áp đảo.

Mặc dù cuối cùng thất bại, phong trào khởi nghĩa của nông dân Yên Thế đã giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong sự phát triển không ngừng đi lên của phong trào yêu nước cách mạng của nhân dân ta. Đó là vị trí chuyển tiếp, bản lề từ một cặp phạm trù cũ (phong kiến) sang một phạm trù mới (tư sản), khẳng định truyền thống yêu nước của dân tộc, đồng thời cũng khẳng định tính nhạy bén, khả năng hội nhập, tiếp nhận cái mới, cái tiến bộ của nhân dân ta trong quá trình dựng nước và giữ nước.


Nói về sự thất bại cuối cùng của cuộc khởi nghĩa oanh liệt của nông dân Yên Thế, có thể nêu ra những nguyên nhân khách quan mà nói, tới đầu thế kỷ XX về cơ bản thực dân Pháp đã hoàn thành cuộc bình định quân sự và củng cố nền thống trị của chúng trên phạm vi cả nước không nói chi đến phong trào văn thân lúc trước đã tan rã từ lâu, từ những năm cuối thế kỷ XIX, mà ngay các phong trào có tính chất tư sản của thời kỳ này trước sự khủng bố gắt gao của quân thù cũng đã trải qua những giờ phút khó khăn nhất. Cho nên dù phong trào nông dân Yên Thế lúc đầu có mạnh nhưng vẫn còn có giới hạn trong một phạm vi nhỏ hẹp, đã thiếu một sự hưởng ứng nhiệt liệt rộng rãi của đông đảo nhân dân toàn quốc. Về chủ quan, nghĩa quân tuy có chiến thuật đúng, nhưng vẫn còn giới hạn hoạt động chủ yếu trong phạm vi địa phương, mà chưa phát động được lòng yêu nước và sức ủng hộ nhiệt liệt của nhân dân địa phương để tranh thủ bồi dưỡng và phát triển, mà nhìn chung vẫn nặng về phòng ngự, thiếu phần chủ động tấn công địch, vì vậy đã bỏ lỡ nhiều dịp có thể tiêu diệt địch.

Nhưng chủ yếu vẫn là do tính thiếu triệt để của phong trào chưa thoát khỏi khuôn khổ chật hẹp của một cuộc khởi nghĩa phong kiến, tuy phong trào khởi nghĩa Yên Thế đã có sự chuyển biến tính chất từ năm 1897 về sau. Cần nói rằng sự chuyển biến tính chất của phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế còn rất hời hợt, nặng về tác động khách quan bên ngoài hơn là do chính điều kiện nội thân quyết định, cho nên tuy nông dân đã vùng lên, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề ruộng đất là mục tiêu đấu tranh chính đã bao đời họ ôm ấp. Mà một khi còn chưa giải quyết được vấn đề ruộng đất thì lực lượng to lớn của nông dân vẫn chưa được kết hợp, chưa được phát triển, hoà với các lực lượng khác trong dân tộc để tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Phải đợi đến khi giai cấp công nhân xuất hiện thì hai nhiệm vụ phản đế và phản phong của cách mạng mới được đề ra cụ thể và chấp hành triệt để.


Mặc dù cuối cùng thất bại, phong trào khởi nghĩa của nông dân Yên Thế đã đánh dấu một thời kỳ quật khởi oanh liệt, đã chứng minh sức dự trữ hùng hậu của giai cấp nông dân trong lịch sử đấu tranh oanh liệt của dân tộc./.


GS: Đinh Xuân Lâm


Giáo sư Sử học - Đại học KHXH&NV- Đại học Quốc gia Hà Nội

Bài viết cùng chuyên mục

Giáo sư Cao Chi đã biên dịch một đề tài mới nhất trong vật lý thiên văn hiện đại, mô tả các liên đới trong vũ trụ, để từ đó giải thích các hiện tượng rối lượng tử. Mà trong đó, hai hạt lượng tử dù...

Cửu đỉnh được coi là bộ bách khoa thư của Việt Nam được các học sỹ dưới thời phong kiến soạn ra một cách hết sức tổng quát.

Đã đến lúc cần cấp tốc loại bỏ thứ "văn hóa đóng khố" ra khỏi nhận thức về trang phục thời đại Hùng Vương, vì đó là một sai lầm nguy hại.

Theo lập luận của GS Nguyễn Văn Hảo, trống đồng ra đời ở Việt Nam và được người Trung Quốc mang về làm thêm một số họa tiết...