Kể năm hơn bốn ngàn năm
Tổ tiên rực rở anh em thuận hoà
Hồng Bàng là tổ nước ta
Nước ta lúc ấy hiệu là Văn Lang
Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 23/12/2014 00:00:00
Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly diễn ra vào cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV (1395-1407) nhằm giải quyết khủng hoảng toàn diện của xã hội cuối Trần, từ khủng hoảng kinh tế xã hội, khủng hoảng hệ tư tưởng dẫn đến khủng hoảng thiết chế xã hội và cao nhất là khủng hoảng cung đình.
Bắt đầu là đổi mới triều đại, giải quyết khủng hoảng cung đình. Năm 1393, thấy họ Trần bất lực, Nghệ Tông đã nói với Quý Ly: "Bình Chương (tức Quý Ly) là họ thân thích nhà vua, mọi việc nước nhà đều trao cho khanh cả. Nay thế nước suy yếu, trẫm thì già nua. Sau khi trẫm chết, quan gia nếu giúp được thì giúp, nếu hèn kém ngu muội thì khanh cứ tự nhận lấy ngôi vua". Thực tế đó đã như một di chúc truyền ngôi. Vì vậy cuộc lên ngôi của Hồ Quý Ly năm 1400 như một sự chín muồi trong yêu cầu giải quyết khủng hoảng cung đình : Hồ lên thay Trần.
Tiếp theo là cải cách thiết chế chính trị xã hội và hệ tư tưởng phong kiến với các biện pháp cụ thể: - Phát triển đội ngũ quan lại phong kiến quan liêu thay thế dần phong kiến quý tộc. Năm 1375, Nghệ Tông "xuống chiếu chọn các quan viên biết luyên tập võ nghệ, thông hiểu thao lược, thì không cứ là người tôn thất, đều cho làm tướng coi quân”. Đề cao Khổng giáo, mở nhiều khoa thi tuyển chọn nhân tài từ bình dân thay thế quý tộc. Hạn chế Phật giáo, không ưu đãi tăng ni và phát triển chùa chiền như thời Trần mà còn có những biện pháp giảm thiểu : "Năm 1396, tháng Giêng xuống chiếu sa thải các tăng đạo chưa đến tuổi 50 trở lên, bắt phải hoàn tục...". Không theo nếp Tiền Lê, Lý, Trần phong tặng quan tước cho quý tộc tôn thất. Không đưa nhiều tôn thất họ Hồ vào bộ máy nhà nước. Hồ Hán Thương "cấm người tông thất, cung nhân không được xưng quý hiệu, người vi phạm bị trị tội". Trong giữ nước, nếu nhà Trần triệu tập Hội nghị Bình Than chỉ có vương hầu quý tộc đến bàn việc chống giặc, thì nhà Hồ trong chuẩn bị chống Minh lại chỉ triệu tập quan lại trong triều và quan lại đứng đầu các lộ tham dự Hội nghị Tây Đô, nhằm đề cao tác dụng và trách nhiệm của hệ phong kiến quan liêu, lấy Nguyễn Phi Khanh - ông thân sinh ra Nguyễn Trãi (không phải người tôn thất) làm Hàn lâm học sĩ. Đạo quân - thần đã thay thế quan hệ tông tộc.
Quan trọng nhất là thực hiện cải cách kinh tế - xã hội với các biện pháp :
1- “Hạn điền" mục tiêu là nhằm hạn chế chiếm hữu lớn về đất đai của quý tộc phong kiến. “Năm 1397, tháng 6 (âm lịch) xuống chiếu hạn chế danh điền (ruộng tư). Riêng đại vương và trưởng công chúa thì số ruộng không hạn chế. Đến thứ dân thì số ruộng là 10 mẫu. Người nào có nhiều thì tùy ý được lấy ruộng để chuộc tội. Bị biếm chức hay mất chức cũng được làm như vậy. Số ruộng thừa phải hiến cho nhà nước”. “Hạn điền” đánh vào nền tảng kinh tế của quyền uy chính trị của phong kiến quý tộc. Tuy vậy cải cách này cũng chỉ là nửa vời. Bởi vì, trong khi xã hội đang có yêu cầu tư hữu hóa ruộng đất để phát triển kinh tế hàng hóa tiền tệ và giải quyết nạn đói, thì số lượng đất ngoài 10 mẫu được lấy ra lại bị sung công “hiến cho nhà nước” biến thành quan điền.
2- Cải cách quan hệ sở hữu sức lao động bằng biện pháp “hạn nô”. Năm 1401, lập phép hạn chế gia nô : “chiếu theo phẩm cấp được có số lượng khác nhau, còn thừa phải dâng lên. Mỗi tên được trả 5 quan tiền...”. Mục tiêu cũng là đánh vào cả thế và lực của phong kiến quý tộc nhưng cũng là cải cách nửa vời. Bởi vì đáng lẽ “hạn nô” để giải phóng sức sản xuất xã hội thì đây lại “đưa nô sung công” và “sung vào quân địch” củng cố chế độ phong kiến quan liêu. Cũng có thể nói như ngôn ngữ ngày nay là “hạn nô” đúng ở “đầu vào” nhưng sai ở “đầu ra”.
3. Cải cách tiền tệ - Phát hành tiền giấy - một biện pháp mới, lần đầu tiên được thực hiện ở Đại Việt : “Năm 1396, tháng 4, bắt đầu phát hành (tiền giấy). Đề ra những biện pháp nghiêm ngặt để thực thi : "- Kẻ làm tiền giả bị tội chết, ruộng đất, tài sản bị tịch thu. - Cấm tuyệt tiền đồng, không được chứa lén, tiêu vụng, tất cả thu hết về kho Ngao Trì ở kinh thành và trị sở các xứ. Kẻ nào vi phạm cũng bị trị tội như trên”. Nguyên nhân có thể do yêu cầu phát triển của kinh tế Đại Việt mà Hồ Quý Ly đã cảm nhận được. Nhưng thực tế thì là : Ngay từ thời “thịnh Trần” (có thể kể đến Anh Tông, Minh Tông) tuy đồng tiền đã được sử dụng rộng rãi nhưng chưa có nhu cầu phát hành tiền giấy. Huống chi cuối Trần kinh tế đã suy thoái, tiền giấy ra đời không những chưa cần thiết mà còn gây phiền hà cho dân chúng (người giàu, thương nhân không muốn thi hành vì không tin ở giá trị đồng tiền. Nông dân ít tiền khó mua được hàng hóa. Người có thể tích lũy được tiền tệ thì lo lắng, không yên tâm...). Việc đề ra những biện pháp cưỡng ép nghiêm ngặt như trên đã phần phản ánh sự mất lòng dân.
4. Cải cách văn hóa, giáo dục : Khuyến khích sử dụng chữ Nôm, tự mình làm thơ chữ Nôm và giải nghĩa Kinh thi bằng chữ Nôm. - Phát huy tác dụng Nho giáo: Năm 1392 làm sách Minh Đạo (“Con đường sáng”) 14 thiên (cho Chu Công là tiên thánh, Khổng Tử là tiên sư", nêu ra “bốn chỗ đáng ngờ trong sách Luận ngữ". Năm 1395 dịch thiên "Vô dật" (Không lười biếng) trong Kinh thư ra chữ Nôm nếu tấm gương của các vua hiền thời xưa để dạy vua Thuận Tông. - Đề cao lối học thực dụng cần thiết cho ca chế quan liêu : Phê phán những người chỉ biết chắp nhặt văn chương, tuy học rộng nhưng viễn vông. Năm 1397, ban hành chính sách khuyến học cho mở trường đến các phủ châu, ban quan điền để chi về việc học. - Cải tiến thi cử, mở nhiều khoa thi kén chọn người tài. Chỉ riêng khoa thi Thái học sinh năm 1400 đã có 20 người thi đỗ, trong đó có những danh nho như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Nguyễn Mộng Tuân...'
5. Cải cách về quân sự : - Năm 1401 lập sổ hộ tịch để bổ sung quân ngũ. Đóng thuyền đinh sắt để chiến đấu, chấn chỉnh lại tổ chức quân đội, bổ thêm hương quân. Trong chiến đấu, áp dụng thuật “làm vườn không nhà trống". Xây dựng thêm thành trì mới, cấu trúc lại các thành trì cũ.
Nhìn chung lại : Cải cách Hồ Quý Ly là toàn diện, lấy kinh tế xã hội làm trọng tâm, trong đó “hạn điền”, “hạn nô” là quan trọng nhất. Nhưng “hạn điền”, "hạn nô” không triệt để. Cải cách tiền tệ, ý đồ thì tốt, nhưng kinh tế xã hội chưa có nhu cầu. Cải cách văn hóa, giáo dục có tiến bộ nhưng cũng không tránh khỏi bị những phản ứng của Phật giáo lúc đó vẫn còn cần thiết cho đám quần chúng nông dân khổ ải. Cải cách quân sự có cái mới nhưng chưa coi trọng chiến tranh nhân dân, còn dựa vào thành hơn là “dựa vào lòng người”... Mặc dầu vậy, cải cách xã hội của Hồ Quý Ly cũng có cống hiến đáng kể cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của dân tộc. Nếu không bị giặc Minh tàn phá thì cũng đưa lại những tiến bộ đáng kể cho đất nước. Những mục tiêu cải cách mà Hồ Quý Ly mong muốn, sau này đã được Lê Thánh Tông kế thừa, phát huy mặt tích cực, phủ định cái tiêu cực, dẫn tới thành công.
GS. VĂN TẠO (BÁO QUẢNG NAM)
Sự sụp đổ của thành Đa bang không chỉ chôn vùi sự nghiệp của vương triều Hồ, mà còn đánh dấu sự thất bại của phép dùng binh chỉ đơn thuần dựa vào quân đội, vũ khí, thành quách trong điều kiện phải...
Nhiều nhà nghiên cứu khi đánh giá việc đất nước thống nhất là sự xâm lược, thôn tính lãnh thổ, mạnh được yếu thua, cách ứng xử phong kiến mang nặng tính cục bộ mà cho rằng Đại Việt là của người...
Sau cục diện Nam – Bắc triều kết thúc, hình thành cục diện Đàng Ngoài – Đàng Trong. Như vậy, đến giai đoạn này, quá trình mở rộng lãnh thổ của người Việt xuống phía Nam được thực hiện ở Đàng Trong...
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giỏi thủy chiến. Điều này đã được chứng minh bằng nhiều trận thủy chiến “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử.
Trận đại thủy chiến ở đầm Thị Nại giữa quân Tây Sơn và chúa Nguyễn vào năm 1801 có rất nhiều điểm tương đồng với một trận thủy chiến nổi tiếng khác diễn ra trước đó 16 thế kỷ.
Trong lịch sử cổ - trung đại Việt Nam có nhiều cuộc cải cách, đổi mới, nhưng cải cách tài chính thì chỉ có một, đó là cuộc cải cách của Trịnh Cương (1716-1729).
Cải cách hành chính của Minh Mạng diễn ra vào nửa đầu thế kỷ XIX, khi xã hội phong kiến Việt Nam đã lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện.
Dù thời xưa, phận đàn bà “ba chìm bảy nổi” nhưng nhiều người trong số họ vẫn vượt lên cái lẽ “nữ nhi thường tình” để gánh vác quốc gia đại sự.
Theo các sử liệu của cả Việt Nam và Trung Quốc, trong hơn 1000 năm, quân đội của Đại Việt đã hàng chục lần tấn công vào lãnh thổ láng giềng phương Bắc.
Thủy quân dưới thời các chúa Nguyễn (1558 - 1777) đã hoàn toàn làm chủ vùng biển đảo Đàng Trong, đặt nền móng xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam, đặc biệt là chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.