Nhắc đến xã Cao Thắng, người ta biết đến địa phương này từng được “đưa đi đẩy lại” giữa hai huyện Kim Bôi và Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, hơn là biết đến nơi đây tồn tại một ngôi thành cổ. Nơi đây vẫn còn dấu tích của một công trình kiến trúc được xây dựng bằng đá ong độc đáo đã bạc màu thời gian.
Cổng thành phía Tây, một không gian đầy màu cổ tích
|
Công trình đá ong độc đáo
Một người bạn quê ở xã Cao Thắng thừa nhận ngôi thành cổ này không biết đã có từ bao giờ? Là một người hoạt động bên ngạch văn hoá, rất nhiều lần anh muốn “giải mã” ẩn số ngôi thành cổ quê mình mà vẫn không thành. Người dân Cao Thắng đều gọi thành cổ với cái tên “thành nhà Mạc” (cũng không biết bắt nguồn từ đâu hay chứng cứ lịch sử nào mà họ gọi thế).
“Đúng là Bảo tàng tỉnh đã không dưới ba lần về cùng chúng tôi khảo sát làm việc. Ngôi thành đã được lập hồ sơ đề nghị xếp hạng quốc gia, nhưng không hiểu căn cứ khoa học ra sao cho nên công việc xếp hạng bị gián đoạn từ năm 2000 cho đến giờ. Lãnh đạo địa phương chúng tôi cũng nóng lòng mong thành được công nhận di tích, nhưng đáng tiếc chưa rõ là thành nhà Mạc hay không và hiện không có tài liệu nào về ngôi thành”, ông Nguyễn Minh Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Cao Thắng cho biết.
|
Một ngày cuối tháng tư, chúng tôi vượt đường Hồ Chí Minh, tìm đến thành cổ đầy ẩn số này. Khuôn viên thành cổ mà người Cao Thắng vẫn gọi là “thành nhà Mạc” nằm ở một khu vực bằng phẳng. Đứng ở nơi này nhìn về phía Bắc là những dãy núi sừng sững trùng trùng nối tiếp nhau án ngữ. Đối diện cổng phía Đông là ngọn núi Thủ Mạc như một tấm khiên che chắn. Ngôi thành có hình vuông rộng tới 40.000m2. Giống như kiến trúc thành quách ngày xưa, thành cổ này được bao bọc vòng ngoài bởi một hào nước sâu và rộng. Mặt phía Bắc của thành đắp dựa vào sông Huỳnh, còn ba mặt đều là hào nhân tạo.
Toàn bộ tường thành xây bằng đá ong, nhưng tiếc thay hiện nay hệ thống tường bao này đã bị một số hộ dân san lấp gần hết để lấy đất canh tác, chỉ còn vài đoạn thành ngắn khá nguyên vẹn ở gần cổng Tây và cổng Nam.
Anh Uông Văn Khánh, người dân bản địa dẫn tôi vào thành từ cổng phía Tây. Anh Khánh cho hay: “Ngôi thành cổ này trước kia có 4 cổng được xây dựng tương ứng với 4 hướng, nhưng bây giờ, còn mỗi chiếc cổng phía Tây này là tương đối nguyên vẹn, cổng phía Nam chỉ còn lại những ụ đá ong rất lớn. Hai cổng còn lại đã bị phá huỷ”.
Toàn bộ tường thành được xây dựng bằng gạch đá ong
Cổng thành phía Tây là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp. Do sự bào mòn của thời gian và sự thờ ơ của con người để cho cỏ cây mọc chen lấn lên cả phía trước và trên cổng thành, tuy nhiên nó vẫn giữ được vẻ uy nghi kiên cố trầm mặc giữa nắng gió mưa dầm. Cổng thành được xây dựng hình mái vòm có kích thước khá lớn với chiều ngang hơn 6 mét, chiều cao khoảng hơn 5 mét. Những viên gạch xây cổng thành có màu nâu đỏ, nhẵn bóng do được nung kỹ, vuông thành sắc cạnh, với kích thước 24x12x4 cm. Điều bí ẩn mà ngay cả người dẫn đường của tôi, anh Khánh cũng không thể giải thích được vì sao trong một mảng tường với khối gạch đá ong nhẵn thín đó thỉnh thoảng lại xuất hiện những viên gạch bát cùng độ dày nhưng kích thước mỗi chiều lại là 24x24 cm. Tuy cánh cửa đã không còn nhưng vẫn còn đó những mộng đá rất lớn cho thấy đó là dấu tích của hai cánh cửa gỗ rất to.
Rảo bước đi qua vòm cửa rộng như dẫn dắt người ta vào một lối nẻo đầy màu sắc cổ tích với đường đi cong cong và cỏ dại mọc um tùm.
Tôi cuốc bộ một vòng trong khu vực nội thành, thật đáng tiếc không còn một dấu tích để lại. Giữa cái không gian hoang vắng và lạnh lẽo của một thành cổ đổ nát, lần tìm những dấu vết còn lại mà sao lòng bỗng dưng tiếc nuối quá chừng.
Chứng tích lịch sử
Mải lần tìm dấu cũ thành xưa, tôi bắt gặp những ánh mắt với cái nhìn đầy dò xét của những người định cư trong khuôn viên thành cổ này. Anh Khánh cho biết: “Đó là một trong 4 hộ dân thuê đất trong thành để canh tác. Thành cổ này lâu rồi đã... có chủ”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vai trò quan trọng của thành cổ này thì rất nhiều người dân ở đây biết rõ. Anh Khánh bật mí: “Trước đây cũng có vài người ở Hà Nội về tìm hiểu toà thành này, cán bộ xã đều dẫn họ đến ông Nguyễn Đình Sán ở thôn Bá Lan. Ông ta vốn là con trai của chánh tổng chế độ cũ. Ông Sán là người hiểu rộng, lại có sở thích sưu tầm những tài liệu cũ nói về quê hương”.
Vẫn còn đó những mộng đá lớn
Nghe kể, tôi liền tức tốc hỏi thăm tới nhà ông Sán. Khác với những gì tôi hình dung ban đầu, con trai vị chánh tổng xưa giờ đã ngoài 80 tuổi. Tuổi tác đã cao nhưng ông vẫn minh mẫn và dễ gần. Khi tôi hỏi về thành cổ, ông Sán trả lời chắc như đinh đóng cột: “Đó không phải là thành nhà Mạc”.
Ông Sán cho biết: “Không có một tài liệu hay chứng cứ lịch sử nào để minh chứng cụ thể đây là thành của ai. Dân tôi thường gọi là thành nhà Mạc, nhưng suốt hơn 30 năm làm lãnh đạo địa phương, tôi cũng quyết tâm tìm ra gốc gác thành cổ nhưng chưa có một dấu tích nào để khẳng định đó là thành nhà Mạc. Chỉ có điều tôi còn nhớ như in là thành cổ này những năm tiền khởi nghĩa (1943) chuẩn bị đánh Pháp đã trở thành một căn cứ để cho dân quân du kích tập luyện để chiến đấu. Sau đó thành lại bị bỏ hoang, cho đến năm 1964, thành này lại được lấy làm nơi cho bộ đội đóng quân, tập luyện. Tôi còn nhớ rất rõ thời ấy vẫn còn một cái nhà ở giữa. Nhưng sau đó thì bị phá huỷ”.
Suốt trong khoảng thời gian dài của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, khu vực thành này nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của kho xăng dầu T8. Mãi đến những năm 1980 mới được chuyển giao cho chính quyền xã.
Với lý do chưa được xếp hạng di tích nên toàn bộ diện tích đất của thành cổ này đang được cho một số hộ dân thuê đất canh tác. Hiện nay, toàn hộ hào nước bao quanh thành đã được chia cắt ra để nuôi cá. Khu vực cổng phía Nam hiện nay biến thành một nhà hàng.
Gần như toàn bộ đất đai đã được khai thác trồng cây ăn quả và cây lấy gỗ. Đoạn ở giữa được dùng làm vườn rau.
Theo lời kể của ông Sán thì trước kia vẫn còn nền móng là dấu tích của 4 dãy nhà, trong đó có 3 dãy được xây dựng song song với nhau theo hướng Đông – Tây, quay mặt về phía Nam, trong thành vẫn còn sót lại những tảng đá xanh lớn kê cột và khá nhiều mảnh vỡ của gạch ngói. “Sau khi được giao đất cho thuê, toàn bộ những dấu tích ít ỏi còn lại cũng đã biến mất theo”, ông Sán cho biết.
Ông Nguyễn Đình Sán không cho rằng đây là thành nhà Mạc
Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Minh Nghĩa- Chủ tịch UBND xã Cao Thắng cũng chỉ biết lắc đầu. “Lớn lên trong chiến tranh, ký ức của tôi đó là một khu chứa xăng dầu để phục vụ chiến đấu. Tôi tham gia công tác tại xã từ năm 1979. Từ đó đến nay có khá nhiều đoàn công tác về khảo sát kiểm tra, trong đó Bảo tàng tỉnh rất quan tâm thành cổ này. Tuy nhiên, gốc gác tòa thành vẫn nằm trong bí ẩn, bởi không có một sử sách nào nói về toà thành này. Theo đánh giá cá nhân, tôi không cho rằng đây là thành nhà Mạc mà nghiêng về giả thiết là căn cứ của một đạo quân. Tuy nhiên ai lãnh đạo, đạo quân của thời nào lại là câu hỏi khó... Một kiến trúc cổ đang bị mai một, nguyện vọng của tôi là tòa thành được công nhận một di tích gì đó... nhưng hơi khó là không có căn cứ”.
Trong “Báo cáo về việc kiểm kê thực trạng di tích thành nhà Mạc...” do Bảo tàng Hòa Bình lập ngày 12/7/2006 ghi rõ là thành nhà Mạc. Báo cáo có đoạn viết: “Năm 1995, thành nhà Mạc được Bảo tàng tỉnh Hòa Bình tiến hành kiểm kê và đưa vào danh mục di tích của tỉnh. Năm 1998 được UBND tỉnh Hòa Bình ra quyết định bảo vệ di tích số 17/198/QĐ–UB về việc bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Theo báo cáo trên thì năm 2000, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình đã lập hồ sơ khoa học. “Đến cuối năm 2000, bộ hồ sơ đã tương đối hoàn chỉnh, duy chỉ còn bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích là chưa được thực hiện vì vướng mắc về đất đai...”.
|