Hé mở bí mật ngôi mộ Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn

Ngày đăng: 12/03/2012 00:00:00

Hàng trăm năm thờ cúng mộ tổ, chi họ Hoàng gốc Mạc ở thôn Lưu Thượng, xã Hiệp An, Kinh Môn, Hải Dương vẫn không hề biết rằng đó chính là mộ vua thứ sáu triều Mạc lên ngôi ở Thăng Long - Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn (miếu hiệu Cảnh Tông Thành Hoàng đế Mạc Toàn). Cho đến một ngày, các nhà sử học phát hiện và giải mã cuốn gia phả cổ, thân thế của chi họ dần được hé mở.











Đi tìm hậu duệ Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn
Hai cuốn gia phả cổ của dòng họ Hoàng gốc Mạc ở Hiệp An.


Kỳ 1: Cuộc gặp gỡ "định mệnh"

Chi họ Hoàng gốc Mạc ở xã Hiệp An vẫn giữ được hai cuốn gia phả cổ và ngôi mộ tổ. Tuy nhiên, gốc tích và những điều bí ẩn về ngôi mộ cùng hai cuốn gia phả vẫn chưa được nhiều người trong họ biết tới.

Hai cuốn gia phả cổ và bài văn tế

Ông Hoàng Văn Chòi năm nay bước sang tuổi 85. Ông kể, cha ông vốn là trưởng tộc. Chẳng may, năm cụ 44 tuổi thì bạo bệnh.

"Trước khi qua đời, cha gọi hai anh em tôi lại giường, trăng trối mà rằng: "Dù sống dù chết cũng phải luôn mang hai cuốn gia phả bên mình, không được để thất lạc. Gia phả còn thì dòng họ ta còn".

Lúc đó chúng tôi còn nhỏ, chẳng biết cuốn gia phả đó nói gì mà chỉ biết nghe lời cha, coi đó như báu vật".

Thế nhưng, sau đó ít lâu, người anh trai của ông cũng qua đời khi mới 26 tuổi. Theo tục lệ, ông lên chức trưởng tộc thay anh, giữ cuốn gia phả từ đó đến nay.

"Tôi coi cuốn gia phả như chính mạng sống của mình. Những năm thực dân Pháp tràn về làng, chúng bắt bớ, đốt nhà cửa, buộc dân làng phải chạy loạn. Tôi phải chôn tạm cuốn gia phả bên chân núi Cao. Đó là lần duy nhất tôi không mang gia phả bên mình", ông Chòi nhớ lại.

Dù chưa mở cuốn gia phả ra xem tường tận song ông Chòi cũng như tất cả mọi người trong họ đều biết rằng gốc của mình là họ Mạc. Ngay trong trang đầu cuốn gia phả cũng ghi "Thủy tổ Mạc Quý Công húy Toàn phu quân".

Trong bài văn tế tổ hằng năm của dòng họ cũng có đoạn "Vốn xưa họ Mạc, tuân theo cương kỷ, để giữ duy luân, nay đổi sang Hoàng".

Ông Chòi cho biết thêm, ngoài hai cuốn gia phả cổ, một cuốn đã cũ, rách nát gần hết thì dòng họ còn thờ ngôi mộ là mộ cụ tổ. Nhưng mộ đó của vua nào, tên là gì, mất bao giờ, không ai trong dòng họ được biết.

Chỉ biết rằng, các thế hệ trong dòng họ vẫn truyền ngôn nhau, ngôi mộ tổ trước nằm ở khu đống Dẹt. Hằng năm, vào dịp rằm, Tết Nguyên Đán, các vị vai vế trong dòng họ cùng con cháu lại sửa soạn đồ ra cúng mộ.











Với ông Chòi, giữ hai cuốn gia phả như giữ mạng sống của mình.


Kỳ bí ngôi mộ tổ

Những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, xã Hiệp An là một trong những lá cờ đầu của miền Bắc trong sản xuất nông nghiệp với cánh đồng 5 tấn/ha, được Phó Thủ tướng Phạm Hùng về thăm.

Năm 1968, xã tiến hành dồn điền đổi thửa để quy hoạch nông thôn mới. Theo đó, những ngôi mộ nằm rải rác trên cánh đồng sẽ được quy tụ lại trên triền núi Cao sau làng Tây Sơn để lấy đất canh tác. Ngôi mộ tổ của Chi họ Hoàng cũng phải di chuyển về đó.

Ông Chòi là một trong bốn người thực hiện di dời mộ tổ. Chọn ngày đẹp, ông cùng ba người khác mang cuốc, xẻng ra đào mộ.

Sau khi phát hết cỏ dại mọc quanh mộ thấy nổi lên một dải đất đắp theo hình chiếc nghiên bút chỉ thẳng vào ngôi mộ. "Lúc ấy, mọi người chỉ thấy lạ nhưng không thể lý giải nổi".

Khi đào sâu xuống chừng 1m liền lộ ra một chiếc chum sành in hoa văn rất đẹp, cao chừng 60 phân.

Xung quanh chum còn có những tấm đá xanh có khắc hoa văn và chữ Nho hay chữ Hán, đặt theo kiểu trong quan ngoài quách. Mọi người quyết định không mở nắp chum rồi di chuyển lên sườn núi Cao.

"Thời điểm này, xã Hiệp An cũng đã đào được nhiều gạch, bát, đĩa cổ. Sợ thông tin này lan ra sẽ khiến kẻ gian đào mộ lấy chum quý, mọi người trong dòng họ đã cắt cử nhau trông coi.

Năm 1989, khu mộ được xây mới, vững chắc hơn", ông Hoàng Minh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Gia tộc chi họ Hoàng gốc Mạc xã Hiệp An xác nhận.

Cuộc gặp gỡ "định mệnh"

Với những sự lạ khi đào mộ ấy, mọi người trong họ vẫn không thể ngờ đến gốc tích của ngôi mộ cũng như thân thế của chi họ mình. Cho đến một ngày...

Ông Hiệp vẫn nhớ như in câu chuyện xảy ra cách đây gần 4 năm. Ông kể, dòng họ nhà ông có người cháu là anh Nguyễn Văn Điệp - Thượng tá, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng.

Ngày 12/8/2008, anh Điệp về dự lễ khánh thành từ đường chi họ Nguyễn Xuân gốc Mạc ở thôn Cổ Pháp, xã Cộng Hòa, Nam Sách, Hải Dương. GS.TSKH Phan Đăng Nhật và TS Nguyễn Minh Đức (lần lượt là Giám đốc và Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Bảo trợ Văn hóa Kỹ thuật truyền thống) ở Hà Nội cũng về dự.

Tại đây, anh Điệp giới thiệu rằng ở thôn Lưu Thượng, xã Hiệp An cũng có chi họ Hoàng gốc Mạc còn thờ mộ tổ và giữ được hai cuốn gia phả cổ. Nghe vậy, GS Nhật và TS Đức vội vàng về xem sự tình.

"Lúc đó khoảng 12h30 phút, ba người về đến nhà tôi. Sau khi được xem cuốn gia phả đó, cả hai vị đều tỏ ý ngạc nhiên quá đỗi. Họ đều cho rằng, ngay chữ đầu tiên của cuốn gia phả đó đã nói về vua Mạc Toàn - vua thứ sáu triều Mạc lên ngôi ở kinh thành Thăng Long.

Tuy nhiên, để cho chính xác, hai vị ngỏ ý mượn cuốn gia phả về Viện Hán - Nôm để dịch. Sau đó, tôi dẫn họ lên thắp hương mộ tổ trên núi.

Trưa mùa hè tháng 8, trời đang nắng chang chang, TS Đức thắp hương khấn thì trời bắt đầu dìu dịu, có áng mây đen bao phủ. Sau có tiếng sấm ì ầm, vài hạt mưa lất phất”. ông Hiệp kể.

Tôi đem câu chuyện đó hỏi GS Phan Đăng Nhật, ông xác nhận "Chuyện đó là có thực. Tuy nhiên, việc trời đang nắng chuyển sang mưa cũng có thể vì sự linh ứng của lời khấn, có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên".

Để đi đến kết luận cuối cùng, các nhà nghiên cứu vẫn cần có thời gian. Và trước hết, cần phải giải mã được hai cuốn gia phả cổ. Những sự thật đang dần được hé mở...

Kỳ tới: Sáng tỏ thân thế chi họ Hoàng gốc Mạc ở Hiệp An, Kinh Môn, Hải Dương


 









"Cho đến bây giờ, người trong họ chúng tôi vẫn coi cuộc gặp gỡ giữa GS Phan Đăng Nhật, TS Nguyễn Minh Đức với anh Nguyễn Văn Điệp là cuộc gặp gỡ định mệnh. Bởi nếu không có cuộc gặp gỡ ấy, rất có thể ngôi mộ vẫn còn là điều bí ẩn".
Ông Hoàng Minh Hiệp
(Chủ tịch Hội đồng Gia tộc chi họ Hoàng gốc Mạc xã Hiệp An)




Bài viết cùng chuyên mục

Bài viết dưới đây của Trần Minh Nhật - một học sinh của tôi và là nhà nghiên cứu Địa Lý Lạc Việt xuất sắc của TT NC Lý học Đông phương - Đáng nhẽ ra, anh Trần Minh Nhật là Phó Giám đốc phụ trách...

Với vai trò là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam, Tết Nguyên Đán vẫn mang trọn những nét đẹp truyền thống dù trải qua biết bao năm tháng.

Tết đến Xuân về không chỉ là niềm khao khát của biết bao đứa trẻ để được xúng xính quần áo mới, được ăn bánh mứt và nhất là được nhận lì xì.

&quot;Thầy cho con ăn một bát canh này thật là một niềm hạnh phúc. Hương vị cua đồng quê nhà ít có thức ăn nào sánh tày, quả là ngon&quot;.<br />

Đó là những ngôi chùa có vị trí đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, vì nhiều lý do đã bị phá hủy hoàn toàn và không được khôi phục trở lại.<br />

Lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc hoàng, tức là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp.

Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết...

Thưởng trà là một nghệ thuật đòi hỏi sự tinh tế, cầu kỳ và công phu trong từng chi tiết. Đạo của trà Việt nằm ở cái tâm, cái thế của người pha cũng như người thưởng thức…

Các nghi lễ và lễ hội cung đình Huế là thành tố quan trọng nhất tạo nên bản sắc văn hóa Huế

Tây Nguyên được biết đến như là miền đất huyền thoại, là nơi cư trú của các dân tộc thiểu số: Ê- đê; Mnông; Gia Rai; Ba Na;… Đó là vùng đất của những điệu cồng chiêng, của rượu cần, đàn Tơrưng… và...