"Cá hoá rồng" và "cá gỗ"

Ngày đăng: 29/05/2012 00:00:00

Từ trước tới nay, hình tượng "cá gỗ" gắn với ông đồ xứ Nghệ. Nhưng cũng ở xứ Nghệ từ lâu còn lưu truyền một hình tượng nữa, thậm chí có nhiều sự tích, giai thoại khá nổi tiếng là sự tích cá chép vượt Vũ Môn để hóa rồng (gọi tắt là cá chép hóa rồng).


 


ca_go2




Nội dung ý nghĩa của sự tích này cũng nói lên đức tính khổ luyện, vượt khó trong học hành, thi cử và thể hiện khát vọng được đỗ đạt, đổi đời. Sự tích này xuất phát từ bên Tàu thời xưa, tương truyền từ thời vua Vũ nhà Hạ nhưng lại có hai địa danh cùng có tên Vũ Môn đều thuộc thượng du sông Hoàng Hà (nay thuộc hai tỉnh Sơn Tây và Thiểm Tây, Trung Quốc).


Ở nước ta, riêng xứ Nghệ cũng có hai nơi có địa danh thác Vũ Môn. Một ở miền Tây huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), trong dãy núi Giăng Màn (Khai Trướng), thác Vũ Môn nơi đây có 3 bậc, tương truyền đến ngày 8 tháng 4 âm lịch, cá chép vượt qua được thác này sẽ hóa rồng.


Nhiều tao nhân, mặc khách đã có ghi chép hoặc đề vịnh về sự tích này như Cao Bá Quát và Trương Quốc Dụng trong sách Mẫn Hiên thuyết thoại, Hoàng giáp Bùi Dương Lịch trong sách Nghệ An ký cũng có đề thơ. Còn tiến sỹ Dương Thúc Hạp trong tập An Tĩnh sơn thủy vịnh có tới hai bài nhắc tới sự tích này(cả thác và núi).


Địa danh thứ hai cũng có tên Vũ Môn ở núi Eo Vực Bồng, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ  An). Theo nhạc sỹ Trần Vương trong một bài viết trên báo Nghệ An kể rằng, cứ vào dịp sang Thu (khoảng tháng 8,9 âm lịch), nước sông Lam dâng lên, rồng xanh rồng vàng dẫn đội quân của mình (cá chép) về khu vực Eo Vực Bồng thi tài vượt thác Vũ Môn, làm cuộc sát hạch cuối cùng, chú cá nào vượt được thác Vũ Môn (có nhiều bậc) sẽ hóa rồng, biến thành những trận mưa mát lành cho núi rừng miền Tây tươi đẹp.


Không chỉ trong chuyện kể dân gian và văn học thành văn, mà trong kiến trúc các đền, đình, chùa ở xứ Nghệ, hình tượng cá chép hóa rồng cũng xuất hiện khá nhiều, đơn cử như trong kiến trúc của đình Hoành Sơn ở Nam Đàn có bức chạm gỗ hình một người cưỡi cá chép vượt Vũ Môn, đầu cá chép đã hóa thành rồng nhưng vảy và đuôi vẫn còn là cá chép.


Hình tượng cá chép hóa rồng còn xuất hiện trên các di vật, trên mái các đền, chùa ở nhiều nơi trên đất xứ Nghệ. Đặc biệt trong nhiều nhà thờ họ có người đỗ đạt cao ở xứ Nghệ có nhiều bức đại tự, câu đối có nhắc đến sự tích cá chép hóa rồng nhằm ngợi ca đức tính khổ học thành tài của tiền nhân. Xin dẫn một câu đối ở nhà thờ họ Hồ Tam Công thờ Trạng nguyên Hồ Tông Thốc (xã Thọ Thành, Yên Thành) như sau: "Lưỡng thế tranh nguyên phiêu Hồng Tháp/ Nhất gia thịnh sự dật Long Môn" (nghĩa là: Mấy đời nối tiếp tranh đạt Trạng nguyên/ Một nhà đỗ đạt thịnh vượng nhờ vượt Vũ Môn).


Vậy là hai hình tượng, hai sự tích đều xuất phát ở xứ Nghệ, đều có vật chung là cá, đều cùng mang ý nghĩa ngợi ca sự khổ học, luyện rèn "dùi mài kinh sử" để đậu đạt, chẳng lẽ không có gì liên quan đến nhau? Theo thiển nghĩ của chúng tôi, người xứ Nghệ vốn có đức tính cần cù, khổ học lại khéo tay hay làm, vốn có nghề mộc rất tinh xảo ở nhiều nơi.


Lúc đầu, các ông đồ, anh khóa vốn cũng là những nghệ nhân làm nghề mộc tài hoa nhưng vì quan niệm "làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi miệng" nên quyết chí đi học, đi thi nên đã tạc nên con cá bằng gỗ như một tác phẩm tạo hình, gửi gắm khát vọng được như "cá hóa rồng" và mang theo mình đi dạy học hoặc "lều chõng đi thi".


Nhưng cũng từ người xứ Nghệ vốn có tài nói trạng mà từ hình tượng "cá hóa rồng" lại được "chế tác" ra một hướng khác (mang tính trào lộng, bôi bác để vui cười) là giai thoại "con cá gỗ" nhằm để...xin nước mắm, nặng về tính kiệm ước, tằn tiện là chính. Vừa qua, thật may mắn được nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đào Tam Tỉnh, Giám đốc Thư viện Nghệ An cho biết ông vừa sưu tầm được một cổ vật là con cá gỗ được tạo hình rất tài hoa của ông đồ xứ Nghệ, tác phẩm này được chạm khắc công phu, giữa mình cá còn khắc một chữ Lộc, xung quanh viền hoa lá rất sinh động, vảy và đuôi cá gần giống với bức chạm ở đình Hoành Sơn.


Đây có thể xem là một chứng tích để củng cố thêm suy nghĩ của chúng tôi. Để kết thúc bài viết nhỏ này, chúng tôi xin dẫn thêm một chứng lý nữa, đó là trong bài thơ "Trên hào xem cá" (Hào thượng quan ngư) của cụ Thám Nguyễn Văn Giao (1811- 1863) có những câu: "...Mong được theo thần cá/ Vùng vẫy vạn dặm khơi". Chắc chắn các nho sỹ xưa đều có chung khát vọng được như "cá chép hóa rồng" để được vùng vẫy thỏa chí tang bồng. Vậy là hai hình tượng cá...gỗ đều cùng một khát vọng hóa rồng, tuy hai mà một gốc. Nhân dịp Xuân mới, xin góp vài ý nhỏ mang tính gợi mở ban đầu còn sơ lược, mong được trao đổi thêm!

Bài viết cùng chuyên mục

Bài viết dưới đây của Trần Minh Nhật - một học sinh của tôi và là nhà nghiên cứu Địa Lý Lạc Việt xuất sắc của TT NC Lý học Đông phương - Đáng nhẽ ra, anh Trần Minh Nhật là Phó Giám đốc phụ trách...

Với vai trò là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam, Tết Nguyên Đán vẫn mang trọn những nét đẹp truyền thống dù trải qua biết bao năm tháng.

Tết đến Xuân về không chỉ là niềm khao khát của biết bao đứa trẻ để được xúng xính quần áo mới, được ăn bánh mứt và nhất là được nhận lì xì.

&quot;Thầy cho con ăn một bát canh này thật là một niềm hạnh phúc. Hương vị cua đồng quê nhà ít có thức ăn nào sánh tày, quả là ngon&quot;.<br />

Đó là những ngôi chùa có vị trí đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, vì nhiều lý do đã bị phá hủy hoàn toàn và không được khôi phục trở lại.<br />

Lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc hoàng, tức là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp.

Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết...

Thưởng trà là một nghệ thuật đòi hỏi sự tinh tế, cầu kỳ và công phu trong từng chi tiết. Đạo của trà Việt nằm ở cái tâm, cái thế của người pha cũng như người thưởng thức…

Các nghi lễ và lễ hội cung đình Huế là thành tố quan trọng nhất tạo nên bản sắc văn hóa Huế

Tây Nguyên được biết đến như là miền đất huyền thoại, là nơi cư trú của các dân tộc thiểu số: Ê- đê; Mnông; Gia Rai; Ba Na;… Đó là vùng đất của những điệu cồng chiêng, của rượu cần, đàn Tơrưng… và...